Chống úng cho lúa mùa giai đoạn cuối vụ

27/09/2021 18:10 Số lượt xem: 2604
Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống có nhiệm vụ bảo đảm tưới, tiêu úng cho 21.220 ha lúa mùa. Hiện nay, các trà lúa mùa bước vào giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết đang có những diễn biến mưa, gió gây nguy cơ ngập úng lúa giai đoạn cuối vụ mùa, đầu vụ đông. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, Công ty chủ động, linh hoạt tiến hành bơm tiêu nước đệm nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, úng ngập gây ra.

Trạm bơm tiêu Kênh Vàng II gồm 20 tổ máy, lưu lượng 8.000 m3/tổ máy/giờ có nhiệm vụ tiêu úng cho 4.300 ha canh tác của các huyện: Lương Tài, Gia Bình. Trước diễn biến thời tiết thường xuyên có mưa to, gió lớn những ngày qua có khả năng gây ngập úng cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực, thực hiện sự chỉ đạo của Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống, Xí nghiệp KTCTTL Lương Tài, từ đầu tháng 9 đến nay thường xuyên bố trí công nhân ứng trực, vận hành bơm tiêu nước đệm. Ông Bùi Ngọc Thảo, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Kênh Vàng cho biết: “Hiện nay, diện tích lúa mùa của các địa phương trong lưu vực bước vào giai đoạn đỏ đuôi, chuẩn bị cho thu hoạch, tuy nhiên vẫn có nguy cơ ngập úng nếu không điều tiết hợp lý việc bơm tiêu nước đệm. Để bảo vệ diện tích lúa, cụm huy động, phân công công nhân thay ca vừa vận hành máy bơm, vừa khơi thông dòng chảy để nâng cao khả năng tiêu thoát nước từ đồng ruộng đến công trình đầu mối. Căn cứ vào diễn biến mưa như hiện nay, chúng tôi phấn đấu thường xuyên duy trì mực nước tại bể hút trạm bơm Kênh Vàng II ở mức +1,6 m để có thể chủ động tiêu thoát khi có mưa lớn hoặc lũ ở thượng nguồn đổ về, đồng thời duy trì nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất cây màu vụ đông”.

 

Công nhân Trạm bơm Nghĩa Đạo (Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống) vận hành bơm tiêu nước đệm bảo vệ lúa mùa cuối vụ.

 

Cùng với trạm bơm Kênh Vàng Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống cũng chủ động, linh hoạt điều hành hệ thống tiêu tự chảy và các trạm bơm tiêu động lực thực hiện bơm tiêu nước từ trong đồng ra sông, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, ngập úng có thể gây ra. Theo ông Lưu Văn Khang, Chủ tịch Công ty, những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra mưa lớn ở cuối vụ mùa gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa trong lưu vực. Bước vào mùa mưa bão năm nay, Công ty triển khai tu bổ, sửa chữa các công trình trên toàn hệ thống, hoàn thành trước 31-5 bảo đảm  toàn bộ công trình, máy bơm, thiết bị hoạt động tốt phục vụ sản xuất.
Công ty phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành thường xuyên trục vớt bèo trên các tuyến kênh, sông tiêu chính như: Sông Bùi, Tuần La- Chợ Đò, Lường,  Cầu Tu, Đoàn, Thứa, Tràng Kỷ, Dâu- Lang Tài, Dâu- Đình Dù, Ngụ… bảo đảm thông thoáng, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của toàn hệ thống. Để điều hành hiệu quả việc tưới, tiêu úng khi có mưa bão xảy ra, Công ty xây dựng phương án chống úng trên cơ sở kế hoạch gieo cấy của các địa phương. Theo đó, toàn hệ thống được chia thành 12 vùng tiêu theo 2 hình thức: Động lực và tự chảy. Công ty cũng xác định 3 thời đoạn tiêu để có phướng án điều hành linh hoạt hoạt động các trạm bơm, trong đó thời đoạn đầu vụ từ 25-6 đến 15-8 sẽ thực hiện chủ động bơm tiêu nước đệm, rút kiệt nước trong đồng đề phòng mưa ngập diện tích lúa mới cấy; thời đoạn giữa vụ từ 15-8 đến 20-9 chủ động tiêu bằng tự chảy; thời đoạn cuối vụ từ 20-9 đến 15-11 theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều tiết hợp lý nguồn nước trong đồng tránh thiệt hại lúa mùa giai đoạn thu hoạch.
Đến nay, các địa phương trong lưu vực tưới, tiêu của Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống chưa có thiệt hại do mưa, ngập úng gây ra cho lúa mùa. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết trong những ngày tới được dự báo tiếp tục có mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hình thành. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ ngập úng, cùng với tăng cường bơm tiêu nước đệm, Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Đuống tích cực huy động cán bộ, công nhân viên thường xuyên ứng trực vận hành máy móc, thiết bị; tăng cường khơi thông, nạo vét kênh mương nâng cao khả năng dẫn nước từ mặt ruộng đến công trình đầu mối.

Nguyễn Tuấn