Chống ô nhiễm môi trường làng nghề

19/11/2019 20:05 Số lượt xem: 2691
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là chủ động phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa gắn liền với bảo vệ môi trường, cơ bản không còn tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề và nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân tại làng nghề. Chống ô nhiễm môi trường làng nghề là đòi hỏi cấp thiết.

Vận hành hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn.

Toàn tỉnh có 62 làng nghề, trong đó 30 làng nghề truyền thống, 32 làng nghề mới. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trương của tỉnh tiếp tục khôi phục các làng nghề cũ, xây dựng các làng nghề mới, hình thành các cụm công nghiệp theo ngành hàng để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, phù hợp với tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ mang tính thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu để tạo ra một đơn vị sản phẩm. Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định, nên song song với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.

Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) cho biết: “Kết quả điều tra khảo sát chất lượng môi trường tại một số làng nghề điển hình trong tỉnh cho thấy các mẫu nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm; môi trường không khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, nhất là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép và ô nhiễm do sử dụng nguyên liệu hóa thạch, đất đai bị xói mòn, thoái hóa; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh. Chưa kể đến lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường, rác thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại xã nghề Văn Môn (Yên Phong), tình trạng ô nhiễm môi trường thực sự nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Rác chồng rác, khói bụi, nước thải, khí thải đều vượt chỉ tiêu nhiều lần cho phép. Hay tại làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê (thị xã Từ Sơn), nguồn nước, khói bụi đen kịt do xả thải từ quá trình sản xuất sắt thép, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), sản xuất bún Khắc Niệm, giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh)… cũng không nằm ngoài tình trạng trên.
Để thực hiện thành công mục tiêu của UBND tỉnh đến năm 2020, 100% các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý ô nhiễm triệt để; di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào cụm công nghiệp làng nghề; 100% các cơ sở còn tồn tại trong làng nghề có biện pháp xử lý chất thải theo đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu với tỉnh xây dựng Quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực nông thôn; kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai Đề án đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường sông Ngũ Huyện Khê; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm (Yên Phong) bằng công nghệ yếm khí; xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt để cung cấp cho các cơ sở trong làng nghề; vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung thị xã Từ Sơn; xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu tại làng nghề Văn Môn (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình), Châu Khê (thị xã Từ Sơn) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ... Đẩy mạnh cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của chủ cơ sở, doanh nghiệp trong các làng nghề, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chống ô nhiễm môi trường làng nghề trong xu thế hội nhập, phát triển.

Bài, ảnh: Hoài Anh