Chóng mặt vì… sữa

26/09/2018 15:41 Số lượt xem: 616
Bà ngoại mất từ khi mẹ tôi còn quấn tã. Sữa mẹ không còn, mà thời những năm 60 của thế kỷ trước chiến tranh loạn lạc, kinh tế khó khăn, có cái ăn no bụng đã tốt, lấy đâu ra sữa mà uống như bây giờ. Tôm tép, rau cỏ qua ngày, thế mà vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh, da dẻ mẹ vẫn hồng hào, căng mịn.

Vì từ bé không có sữa nên cũng dần thành quen và dẫn đến sợ sữa. Theo dân gian gọi là mất dạ sữa. Còn nếu trong y học người ta gọi là không dung nạp được đường lác tô ra gì đó. Và thực tế khoa học cũng đã chứng minh những nơi có tập quán chăn nuôi và uống sữa từ lâu đời thì cơ thể dung nạp tốt loại đường đó, còn ngược lại ở những dân tộc ít sử dụng đến sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày, tỷ lệ không dung nạp đường đó rất cao như ở châu Phi, châu Á, Mỹ latinh...

Nghĩ đến thời nay, lũ trẻ thật sướng. Ngoài sữa mẹ, có đủ các hãng sữa trên thị trường tha hồ lựa chọn, cân nhắc. Từ Việt Nam nổi tiếng như Vinamilk, Nutifood, Mộc Châu…đến các hãng sữa thương hiệu ngoại nhập như Abbott của Mỹ với các dòng như Similac cho bé từ 0-6 tháng tuổi, Similac gain cho bé từ 6-12 tháng, Similac gain pus cho bé từ 1-3 tuổi, Similac Neosure, Newborn cho trẻ thiếu tháng hay dòng cao cấp Pedia Sure cho trẻ từ 1-10 tuổi, rồi Enfalac, Enfapro, Enfagrow cho bé từ 0-3 tuổi, Enfakid cho trẻ từ 4 tuổi trở lên; Physiolac của Pháp với các dòng Relais cho bé từ 0-3 tuổi; Meiji của Nhật cho bé từ 0-3 tuổi; Aptamil của Anh cho bé từ 0-2 tuổi… đếm sơ qua đã có đến hàng chục hãng sữa khác nhau, mỗi hãng lại có nhiều dòng sản phẩm từ bé đến lớn, đủ cả.
Cháu nhỏ nhà tôi “lười” uống sữa nên tôi “được” dạo quanh thị trường sữa của thành phố Bắc Ninh liên tục. Nhưng thật lòng niềm tin chất lượng chủ yếu được đặt vào lời giới thiệu, tư vấn của chủ cửa hàng. Đó là thói quen của đa số người Việt. Đi chợ mua hàng hóa, nhất là các loại thực phẩm có nhãn tem nhiều khi chẳng cần biết đến thông số trên nhãn mác vỏ hộp để biết chất lượng dinh dưỡng thế nào mà chỉ quan tâm đến giá cả, vừa túi tiền là nhất trí. Nhiều cửa hàng thuê người bán có khi học mót mấy câu về giá cả, vài thông tin phập phồng là tư vấn... như chuyên gia. 
Được người quen giới thiệu dòng sản phẩm Pedia Sure của Mỹ, vì bé uống ít nên mỗi lần tôi chỉ mua từ 1-2 hộp loại sữa tươi chưa đến 50 nghìn đồng/hộp và cũng định bụng thử giá cả ở các cửa hàng nhưng mua ở 3 cửa hàng ở thành phố Bắc Ninh thì có đến 3 mức giá khác nhau chênh nhau từ 8 nghìn đến 15 nghìn/hộp, tem mác không khác nhau chút nào, nên theo thói quen chỗ rẻ là mua vì không thể biết và cũng không thể kiểm định nguyên do giá sữa chênh lệch, chất lượng sữa thì lại càng không. Hay dòng Meiji của Nhật mua mấy cửa hàng giá đều hơn 500 nghìn đồng/hộp với dòng cho trẻ từ 0-1 tuổi, sữa hộp hoặc sữa cây tùy chọn. Tình cờ nhờ cô bạn cùng quê làm việc bên Nhật “chát” qua facebook thử tham khảo giá bên đó thì đúng là… chóng mặt thật. Cùng hãng Meiji, cùng dòng cho trẻ từ 0-1 tuổi nhưng giá tại thị trường sản xuất còn cao hơn cả ở Việt Nam nhập khẩu qua hàng ngàn km vận chuyển, tại sao lại như vậy? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý, cơ quan chức năng.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã phanh phui, phát hiện nhiều đường dây, nhiều loại sữa bột cho bà mẹ, trẻ em bị làm giả trên thị trường và khuyến cáo người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm trong sạch thị trường sữa, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng, để mỗi khách hàng khi đi mua sữa không phải đắn đo, lăn tăn về chất lượng và gửi gắm hết trách nhiệm vào uy tín, lương tâm của chủ cửa hàng.

Xuân Me