Chọn hiền tài

16/05/2018 07:55 Số lượt xem: 1079
- Mấy hôm nay ti vi có gì mà các ông theo dõi sát thế, xem xong lại rôm rả chuyện trò, bàn luận. (Cũng như mọi lần, dù biết mười mươi chuyện gì nhưng bà Hậu vẫn có thói quen hỏi ông Hậu như vậy). Ông Hậu cười, nụ cười hiền từ, đôn hậu và: Toàn chuyện quốc kế, dân sinh bà ạ. Nghị quyết lần này, đồng thời cũng là quyết sách lớn của Đảng, mà lại sát sườn với dân, với người lao động, chẳng cứ những người về hưu như chúng tôi “săn tin” mà toàn xã hội cũng đang nóng lên đấy.

Vẫn như mọi lần, hễ có chuyện hệ trọng của đất nước là ông Sơn lại trầm tư nghe ngóng, ngẫm ngợi, thấy ông bà Hậu đề cập nội dung này, ông Sơn nhấp giọng ngụm trà rồi: Tôi nghĩ vận nước đã lên thật rồi, Nghị quyết Trung ương 7 lần này, ngắn gọn, cụ thể. Ba nội dung lớn: Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược; Cải cách chính sách tiền lương và chính sách Bảo hiểm xã hội. Ba nội dung này đều rất quan trọng, nhưng nội dung công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Chọn nhầm, dùng nhầm là hại nước, hại dân. Làm thế nào để chọn được cán bộ vừa có tài lại có đức, làm thế nào để chọn được cán bộ có phẩm chất “ Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”? (Ông Sơn trăn trở)

- Ngạn ngữ có câu: “Nước nguy nhớ đến tướng tài. Nhà nghèo nhớ đến vợ hiền”. Để chèo lái đất nước nhất thiết phải có bậc hiền tài. Nếu không có những bậc hiền tài thì làm sao công cuộc chống tham nhũng của ta đang làm lại được nhân dân tin tưởng, đồng tình và hy vọng như thế. Nhưng chống bao giờ cũng phải đi đôi với xây, chính vì vậy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lần này là hết sức quan trọng. Nôm na như tôi hiểu vẫn là việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người hiền tài.Tăng Quốc Phiên ngày xưa nói: Bậc làm quan tốt phải buông bỏ được hai điều: Kiêu ngạo và đa ngôn. (Ông Hậu nói)

- Thật là thâm thúy, tôi cũng được đọc sách cổ, nói về cách chọn người thế này, (Nói rồi ông Sơn dẫn lại chuyện xưa cho ông bà Hậu cùng nghe):

 Lý Khắc - vị mưu sĩ tài giỏi của Ngụy Văn Hầu hiến 9 cách để chọn hiền tài:

Thứ nhất phải xem lễ: Muốn xem một người có đáng coi trọng hay không thì phải nhìn xem người ấy có khiêm tốn, cẩn trọng hay không, có phải là người nho nhã, lễ độ hay không, có tuân thủ quy tắc hay không.

Thứ hai phải xem cách họ tiến cử: Một người sau khi đã có địa vị cao sang, thì phải nhìn vào cách tiến cử người của người đó, xem xem họ đề cử, đề bạt người như thế nào. Từ cách này có thể nhìn ra phẩm chất của một người có đáng quý hay không.

Thứ ba phải xem cách họ sử dụng của cải vật chất: Một người sau khi đã giàu có rồi, thì phải nhìn xem họ tiêu tiền như thế nào, tiêu tiền cho ai, tiêu tiền vào những nơi nào. Nếu như sau khi giàu có rồi, mà vẫn bảo trì được bản tính cần kiệm thì đó mới là người có phẩm hạnh chân chính.

Thứ tư phải xem họ kết giao với người nào: Nếu một người thường kết giao với những người hiền tài thì có thể trọng dụng. Nhưng nếu một người thường xuyên kết giao, đi lại với những hạng tiểu nhân thì nên cẩn trọng, dè chừng.

Thứ năm nghe một người nói có đáng tin không, phải nhìn vào cách họ làm: Sau khi nghe xong một người nói thì phải xem họ có đi làm hay không. Nếu một người chỉ nói mà không làm tức là chỉ nói suông, nói mạnh miệng mà không có hành động thực tế thì đó là người không đáng tin. Sau đó, khi tiếp xúc một thời gian phát hiện ra lời nói và việc làm của họ có sự sai biệt quá lớn thì có thể thấy rõ nhân phẩm của người này không tốt.

Thứ sáu xem bản chất bên trong của một người, nhìn vào sở thích: Quan sát sở thích của một người, xem người này hằng ngày yêu thích gì, thì có thể nhìn ra bản chất nội tại của người này. Đây chính là bản chất nội tại của người đó thể hiện ra ngoài.

Thứ bảy xem lời nói của người đó có nhất quán không: Nếu lần này gặp mặt mà họ nói như thế này nhưng lần sau gặp mặt lại thấy nói khác thì nhân phẩm của người này là không tốt.

Thứ tám nhìn vào bản tính chứ không nhìn vào sự giàu nghèo của họ để đánh giá: Một người mà nghèo thì cũng không có vấn đề gì lớn lao. Nghèo mà không tham lam chiếm lợi ích của người khác thì là người có bản chất tốt.

Thứ chín xem một người có phải là đáng kính trọng hay không nhìn vào việc họ tuyệt đối không làm: Địa vị cao thấp của một người không thể đánh giá họ đáng kính trọng hay đáng khinh. Nếu một người không kiêu ngạo, không siểm nịnh, bảo trì sự tôn nghiêm của bản thân mình thì người ấy có bản chất đặc biệt tốt.

Ông Sơn vừa dẫn chuyện xong ông Hậu đã thốt lên: Quả là chí lý, thật sâu sắc. (nói đến đây ông Hậu cười hóm hỉnh và hỏi ông Sơn): Không biết người xưa có được học cái cặp phạm trù Nội dung-Hình thức không nhỉ? mà tài thật… tài thật!

Thạch Thảo