Cho những cung đường an toàn, thông suốt

15/11/2018 09:25 Số lượt xem: 2172
KỲ 3: ĐẨY LÙI TAI NẠN GIAO THÔNG CẦN SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

 Quán triệt Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” cũng như các Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT”, thời gian qua Bắc Ninh đã huy động sâu rộng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATGT đồng thời chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ các giải pháp với mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí.
 

CSGT tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường THCS Thị Cầu.

 

 

Giao thông mở đường phát triển
Nếu ai đi xa vài năm nay trở lại Bắc Ninh hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng về sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của một tỉnh công nghiệp hiện đại. Từ thành thị cho đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy những cung đường to, đẹp, thông thoáng trải dài trên những miền quê trù phú. Thành quả này là công sức, tâm huyết, tầm nhìn rộng mở của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân mà mở đầu chính là việc tạo sự đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông để mở đường cho sự phát triển.
Nhiều năm qua, Bắc Ninh xác định việc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông là tiền đề quan trọng để thực hiện CNH, HĐH. Nhờ có quyết sách đúng đắn, từ những tuyến QL1, QL18, QL3, QL38, QL17 đến những đường tỉnh: 295, 295B, 277, 280, 281… đều được đầu tư, nâng cấp hiện đại. Đặc biệt là cầu Hồ và cầu Bình Than đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự giao thương kinh tế - xã hội giữa đôi bờ Nam - Bắc sông Đuống. Trong tương lai không xa, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành và nhiều tuyến đường theo “Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” cũng sẽ được đưa vào sử dụng, cộng với việc triển khai dự án đầu tư hệ thống giao thông thông minh thuộc Đề án tổng thể thành phố thông minh sẽ tạo đà cho Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
 
Mở đường gom, xây cầu vượt cho người đi bộ và xe máy trên Quốc lộ 18 đoạn qua KCN Quế Võ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông.
 
Cùng với quan tâm, phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tỉnh cũng triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch về bảo đảm ATGT. Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Nghị quyết, Kế hoạch về bảo đảm ATGT, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05 ngày 15-4-2013 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai đến các sở, ban, ngành, các địa phương toàn tỉnh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, các địa phương đều quán triệt các nội dung và cụ thể hóa trong chương trình công tác hàng năm của đơn vị, địa phương, gắn với nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh trật tự theo từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh đều xây dựng và ban hành trên dưới 40 văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, huy động toàn xã hội chung tay bảo đảm ATGT. Một loạt các giải pháp về bảo đảm ATGT trên địa bàn được triển khai đồng bộ và hiệu quả, từ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm, đến công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường của lực lượng chức năng, công tác duy tu bảo dưỡng đường, xử lý những tồn tại bất cập trong tổ chức quản lý giao thông… Nhờ đó, công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, trong nhiều năm TNGT đều giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Khắc phục những bấp cập
Xác định rõ những bấp cập trong tổ chức giao thông là nguyên nhân gây TNGT, thời gian qua các ngành chức năng tham mưu với tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trên hệ thống giao thông nhằm tránh nguy cơ hình thành điểm đen về TNGT.
Điển hình là tại khu vực trục đường Lê Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh), do tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề quy hoạch chưa theo kịp với xu thế phát triển nên hiện ở đây có nhiều tòa nhà cao tầng với khoảng 3.000 người lưu trú và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, thời gian qua ở khu vực này đã nảy sinh những bấp cập bởi tình trạng ô tô để xe tràn lan dưới lòng đường do không có bãi đỗ xe, gây cản trở cho các phương tiện lưu thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Trước thực trạng đó, vừa qua các ngành chức năng của tỉnh đã có cuộc họp với Công ty Cổ phần Cát Tường, đơn vị chủ đầu tư khu nhà ở Cát Tường để tìm giải pháp khắc phục như nghiên cứu đề xuất bãi đỗ xe phù hợp, cắm biển cấm đỗ xe, có biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm nhằm không để tình trạng trên kéo dài làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT và mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.  
Đó chỉ là một trong nhiều bất cập trong tổ chức giao thông được tỉnh chủ động tìm hướng giải quyết. Theo Ban ATGT tỉnh, hiện nay tại những điểm bất cập về tổ chức và quản lý giao thông đều đã được ngành chức năng xây dựng các phương án khắc phục bổ sung, chỉnh sửa. Tiêu biểu nhất phải kể đến một loạt dự án mới được tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng, như nút giao KCN Yên Phong 1, cầu vượt qua QL18 đoạn KCN Yên Phong, cầu vượt Quốc lộ 18 và đường gom tại KCN Quế Võ hay như nút giao cầu vượt Bồ Sơn, nút giao Tây Nam (đang thi công)... Việc các công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng đã thực sự “hạ nhiệt” cho vấn đề ùn tắc giao thông xảy ra nhiều năm qua.
Nếu trước đây, các phương tiện vận chuyển hàng hóa và đưa đón công nhân lao động trong KCN Yên Phong I (trong đó có nhà máy Samsung) chỉ có 1 lối ra vào, lại phải đi qua tuyến tránh xa hơn 2km. Thì khi nút giao trái tuyến KCN Yên Phong trên QL18 đưa vào sử dụng (từ tháng 4-2018) đã tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi và hạn chế TNGT. Công trình còn được lãnh đạo tỉnh xác định mang tính chất trọng điểm nhằm phục vụ tốt yêu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất của Dự án Samsung Display cũng như các nhà máy vệ tinh. Hay trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn chạy qua KCN Quế Võ cũng vừa được tỉnh đầu tư xây dựng đường gom dài gần 3km từ thôn Do Nha đến thôn Giang Liễu (Phương Liễu) và dựng cầu vượt qua Quốc lộ 18 dành cho người đi bộ và xe máy. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh thì trước khi có đường gom và cầu vượt, QL18 qua KCN Quế Võ là điểm nóng ùn tắc, nên luôn phải bố trí một Tổ CSGT túc trực, phân luồng giao thông tại đây. Nhưng từ tháng 2-2018, cầu vượt được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc trên đoạn đường này giảm mạnh. Đây chính là những giải pháp hữu hiệu trong việc điều tiết, giảm thiểu TNGT tại các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ có lưu lượng lớn người và phương tiện lưu thông.
Chung tay kéo giảm TNGT
Cùng với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạn chế những điểm bất cập trong tổ chức, quản lý giao thông thì để kéo giảm TNGT đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và người dân trong thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATGT hiện nay. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ giúp người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT mà còn hình thành văn hóa giao thông văn minh trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kết hợp với đa dạng hóa các hình thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cho từng đối tượng. Hiện nay, những mô hình giáo dục về bảo đảm ATGT trong nhà trường như “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, “Bé với ATGT”, “Doremon với ATGT”… đều cho hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức và ý thức tham gia giao thông, đặc biệt sớm hình thành “văn hóa giao thông” cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, nhiều hình thức tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, treo các panô hình ảnh về văn hóa giao thông, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng như phổ biến pháp luật về trật tự ATGT… ở nhiều cơ quan đơn vị, đoàn thể, địa phương cũng mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” đã có sự phát triển sâu rộng trong các cộng đồng dân cư và trở thành nhân tố chủ yếu góp phần bảo đảm ATGT từ cơ sở...
 
 
Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Định (Thuận Thành) thực hành lái xe theo mô hình “Đi đến trường an toàn-Về đến nhà an toàn”.
 
 
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn nhằm quyết tâm thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp bảo đảm ATGT mà tỉnh đã đề ra. Các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm quy định của pháp luật về ATGT, phối hợp với chính quyền cơ sở xử lý quyết liệt, dứt điểm những vi phạm về hành lang giao thông, những điểm phức tạp, bấp cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn…
Trong lộ trình phát triển xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, vấn đề bảo đảm ATGT luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Để xóa bỏ các bất cập trong tổ chức giao thông, xây dựng những cung đường an toàn, thông suốt bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội thì ngoài sự nỗ lực của các ngành, các cấp rất cần sự quan tâm, vào cuộc, nhất là việc nâng cao ý thức của mỗi người tham gia giao thông và người dân trên địa bàn. Đó cũng là yếu tố tiên quyết để kéo giảm TNGT vì xã hội phát triển hôm nay!

 

Lê Đại - Đức Quý- Nguyên Phương