Chất lượng điều hành kinh tế Bắc Ninh - Những chỉ số biết nói

31/05/2023 20:13 Số lượt xem: 2564

Bài 4: Chỉ số xanh cấp tỉnh, xây dựng môi trường kinh doanh xanh và bền vững

 

Năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức đưa Chỉ số xanh cấp tỉnh (gọi tắt là PGI) vào tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Bắc Ninh lại có mặt trong top ba toàn quốc. PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng môi trường tại 63 tỉnh, thành phố qua góc nhìn của doanh nghiệp, mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp, ứng xử môi trường của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng đầu tư về môi trường tại các địa phương; nhằm thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng hơn về phát triển xanh, cùng chung tay xây dựng môi trường kinh doanh xanh và bền vững.

Bộ Chỉ số PGI được đánh giá, xếp hạng dựa trên 4 tiêu chí: Chỉ số thành phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Chỉ số thành phần bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh và Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Trong năm 2022, Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu của Bắc Ninh đạt 6,85 điểm, đứng đầu cả nước. Các chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường cũng đạt mức điểm khá cao, trong tốp những địa phương dẫn đầu.

 


Để có thành tích lọt vào Top 3 Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh không ngừng nỗ lực, quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên cơ sở xác định những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển, từ nhiều năm qua, Bắc Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, UBND tỉnh quyết định tạm dừng thu hút đầu tư đối với các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tận dụng các xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI xanh đầu tư vào tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư “xanh” vào các lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp,…), công nghiệp hỗ trợ, gắn với phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; công nghệ đầu cuối 5G, 6G; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…); các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái…
 Bên cạnh đó, tỉnh tích cực kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường, quyết liệt quản lý việc khai thác khoáng sản, khuyến khích xây dựng các công trình xanh. Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tỉnh đặt mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trọng tâm là xây dựng nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, từng bước định vị một nền kinh tế tuần hoàn.

 

 

Bằng những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới, Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội xanh bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất là Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Từ việc ban hành, triển khai hiệu quả các nghị quyết, nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được nâng lên rõ rệt, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của Bắc Ninh.

 

 

Đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình phát triển Bắc Ninh vẫn còn gặp một số rào cản cản trở mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Đó là còn thiếu cơ chế, chính sách kích thích tích tụ đất đai, thiếu các ưu đãi thu hút đầu tư sản xuất liên kết, nhất là trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Chất lượng quy hoạch hạn chế là “tảng đá” ngáng đường khiến các mục tiêu, định hướng thiếu đồng bộ, không rõ ràng. Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa cao, việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt và nước thải còn bất cập. Quy mô kinh tế nhỏ, khả năng huy động vốn thấp nên việc thực hiện các chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn.


Nhìn thẳng vào hạn chế phát hiện điểm nghẽn, Bắc Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể: lồng ghép, đánh giá và đưa ra các phương án thực hiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh vào quá trình lập quy hoạch tỉnh. Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức về tăng trưởng xanh bằng việc tạo đột phá từ các mô hình mới. Nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Từ đó lan tỏa bằng phong trào thi đua thực hiện tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường… Chỉ khi thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp thì mới có thể xây dựng được môi trường đầu tư xanh, thu hút được các dự án xanh. Có như vậy chỉ số PGI của tỉnh mới thật sự ổn định, bền vững và là điểm tựa thúc đẩy, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh và các chỉ số quản trị, điều hành địa phương. Trong định hướng phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bắc Ninh xác định là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời khai thác mọi tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ hội nhập, lan tỏa, kết nối với các địa phương trong vùng, khẳng định vị thế của một khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI cũng như các chỉ số quản trị địa phương trong những năm tới.

Xu hướng chung về cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì từ kết quả đánh giá PCI năm 2022. Tuy nhiên những vấn đề toàn cầu như xung đột quân sự, căng thẳng thương mại, nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục là những thách thức khó lường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng đang phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, bảo đảm khả năng thanh khoản. Trong bối cảnh này, Bắc Ninh kiên trì đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo ra những chỉ số tích cực. Những chỉ số ấy như khẳng định rằng hệ thống chính trị và toàn dân miền Quan họ sẽ luôn đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, từ đó góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới.

 

Bài 1: Nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Bài 2: KCN hiện đại, điểm đến của nhà đầu tư

Bài 3: Nhận diện và hóa giải điểm nghẽn

Trung Hiệp-Thái Uyên-Dương Hoàn