Chặng nước rút về đích thu nội địa

27/11/2022 19:55 Số lượt xem: 1594
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến tháng 11, số thu nội địa toàn tỉnh đạt 20.142,5 tỷ đồng đạt 86,6% dự toán Pháp lệnh, bằng 90,9% so với cùng kỳ. Trước thời điểm khóa sổ năm tài chính đang cận kề, Cục Thuế tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý thuế ở chặng nước rút nhằm hoàn thành ở mức tốt nhất mục tiêu dự toán.

Cán bộ thuế nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm tại Công ty CP May Đông Bình.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, mặc dù dịch bệnh đã ổn định, nhưng việc thực hiện thu nội địa năm 2022 gặp nhiều thách thức. Các khoản thu từ đất không đạt kỳ vọng, trong khi quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới đang ở giai đoạn phục hồi, tăng trưởng còn chậm. Cụ thể, số thu tiền sử dụng đất mới đạt 30,6% dự toán, tương ứng 1.222 tỷ đồng, chỉ bằng 32,7% so cùng kỳ. Điều này tạo ra một áp lực không nhỏ, đòi hỏi phải có ngay các giải pháp thật cụ thể và quyết liệt để bù đắp khoản hụt thu này.
Trên cơ sở theo dõi sát “sức khỏe” của doanh nghiệp, ngành Thuế đã đề ra những biện pháp tạo nguồn lực từ khoản thu thuế, phí, nổi bật là từ công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đôn đốc thu nợ thuế và điện tử hóa các nghiệp vụ quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế. Cụ thể, về công tác thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở rà soát dữ liệu doanh nghiệp từ các hệ thống phần mềm như TMS, TTR, TPH… Cục Thuế thực hiện phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và lựa chọn, phân công cán bộ thuộc các đoàn thanh tra, kiểm tra phù hợp về khả năng chuyên môn, đủ năng lực, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN song song với nâng cao chất lượng kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế. Lũy kế hết tháng 10, Cục Thuế tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 676 doanh nghiệp, tổng số tiền truy thu, truy hoàn, phạt, chậm nộp 278,51 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng số hồ sơ đã kiểm tra là 7.587 hồ sơ, chấp nhận 7.293 hồ sơ, 99 hồ sơ chờ giải trình, 4 hồ sơ chuyển kiểm tra tại DN, 191 hồ sơ điều chỉnh. Số tiền thuế tăng thêm là 37 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh quyết liệt thực hiện các nội dung: quán triệt đến các phòng, đội kiểm tra, đẩy mạnh đôn đốc thu số nợ phát sinh, hạn chế thấp nhất việc phát sinh nợ thuế mới; phân công cụ thể nhiệm vụ quản lý thu nợ cho các bộ phận liên quan, hàng tháng thực hiện kiểm điểm đánh giá, rà soát, kiểm tra để xử lý các sai sót về số nợ. Đối với các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày thực hiện đôn đốc thu nộp bằng các biện pháp gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, đôn đốc làm việc trực tiếp, ban hành hàng chục nghìn thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp. Kết quả, đến nay tỷ lệ nợ thuế trên tổng dự toán thu toàn tỉnh 3,9%, thấp hơn chỉ tiêu do Tổng cục Thuế giao (5%).
Trên cơ sở tối ưu hóa tiện ích công nghệ thông tin, ngành Thuế đẩy mạnh sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, kho dữ liệu liên thông của ngành... nhằm giảm bớt số lượng các thủ tục hành chính. Việc hoàn thành sớm quá trình phủ sóng hóa đơn điện tử trên địa bàn cũng góp phần không nhỏ chống gian lận, thất thu thuế. Ngoài ra, hàng loạt chương trình đối thoại thuế được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách thuế. Sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh, Cục Thuế Bắc Ninh tiếp tục tổ chức Hội nghị tuyên dương 222 tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế năm 2020 và 2021, qua đó, tạo sự khích lệ kịp thời, lan tỏa được các điển hình nộp thuế tốt.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2022, Cục Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thực hiện tốt nhất kế hoạch thu tiền sử dụng đất; tuyên truyền, phổ biến đến người nộp thuế các chính sách thuế mới, đặc biệt là Chương trình “Hóa đơn may mắn”, triển khai hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; đôn đốc thu hồi nợ, hạn chế tối đa nợ mới phát sinh, nhất là khoản nợ do lợi dụng chính sách ưu đãi, gia hạn để chây ì nộp thuế; cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, bộ phận, lĩnh vực để người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ thuế.

Huyền Thương