Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

21/11/2018 08:50 Số lượt xem: 810
Thanh niên và vị thành niên, lực lượng lao động tương lai của đất nước phải được trang bị đầy đủ kiến thức về ngành nghề cũng như cách bảo vệ sức khỏe.

Tăng cường truyền thông sức khỏe sinh sản cho học sinh lứa tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa).

Lâu nay, công tác truyền thông về SKSS, các biện pháp tránh thai (BPTT) mới tập trung phần lớn vào đối tượng có gia đình để kế hoạch hóa gia đình chứ chưa dành sự quan tâm nhiều đến người chưa lập gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng khó tiếp cận với BPTT. Bằng chứng là thanh thiếu niên khi mua bao cao su (BCS) thường bị ánh mắt soi mói của người lớn, những câu nói ám chỉ hư hỏng. Ngay cả khi đến cơ sở y tế, đôi khi vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm của nhân viên y tế khi thấy trẻ “ăn cơm trước kẻng”. Tiếp đó, gia đình, thầy cô cũng… ngại động chạm đến vấn đề được cho là nhạy cảm này. Cho đến nay, không phải gia đình nào cũng cởi mở chia sẻ với con cái về vấn đề liên quan đến tuổi dậy thì, thậm chí có người còn cấm con hỏi hoặc lờ đi khi trẻ nhắc đến những vấn đề trên. Tất cả những trở ngại đến từ phía người lớn đang là rào cản, khó phá bỏ để trẻ được hưởng quyền lợi chính đáng của mình trong việc nâng cao kiến thức SKSS và tìm hiểu về tình dục an toàn (TDAT).
Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, thanh thiếu niên có xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) sớm hơn trong khi kiến thức về mang thai và các biện pháp bảo đảm an toàn tình dục còn hạn chế.  Thanh thiếu niên có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin đa chiều về SKSS qua các kênh như truyền hình, sách báo, băng đĩa, internet… Từ đó, có ảnh hưởng mạnh đến quan niệm, lối sống của vị thành niên. Kiến thức về các vấn đề SKSS hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ với cách thức và nội dung phù hợp nhu cầu thực tế.
Thực tế, sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Nhận thức của nhóm tuổi vị thành niên/thanh niên về SKSS tuy có chuyển biến tích cực song vẫn được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về SKSS ở Việt Nam. Mới đây, một nghiên cứu của Trần Kim Chung (Sở Y tế Bắc Ninh) tìm hiểu “Kiến thức về vấn đề SKSS và một số yếu tố liên quan” được tiến hành tại Trường THPT Lý Thái Tổ (thị xã Từ Sơn) đã mô tả kiến thức về các vấn đề SKSS của học sinh. Đánh giá chung kiến thức của học sinh về SKSS cho thấy có 66,3% học sinh đạt, 33,7% học sinh vẫn còn thiếu kiến thức và còn có những nhận thức sai lầm về một số vấn đề liên quan đến SKSS vị thành niên như kiến thức về ngày dễ thụ thai ở nữ giới, TDAT, các BPTT, dấu hiệu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các sơ sở chăm sóc SKSS tốt, phù hợp với vị thành niên… Kết quả cụ thể, có 95,5% học sinh nữ và 93,5% học sinh nam hiểu rằng QHTD giữa nam và nữ có thể làm cho bạn nữ mang thai. Mặc dù nhận thức tốt về hậu quả có thai của QHTD nam nữ nhưng lại hạn chế kiến thức về ngày dễ thụ thai ở nữ giới, chỉ có 21,6% học sinh có hiểu biết đúng về thời điểm này. Về biện pháp tránh thai (BPTT), học sinh biết đến nhiều nhất là BCS (83,0%), tiếp đến là thuốc tránh thai (76%). Đây cũng là hai BPTT phổ biến được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, do đó học sinh biết đến nhiều nhất cũng là điều dễ hiểu. Nghiên cứu cũng chỉ ra, kiến thức của các em phụ thuộc vào giới tính, học lực, khối lớp, cán bộ lớp/đoàn. Học sinh nữ có kiến thức về các vấn đề SKSS cao gấp 1,8 lần học sinh nam, bởi nữ thường phát triển sớm hơn nên các em có thể quan tâm đến vấn đề này sớm hơn. Học sinh khối 12 có kiến thức về SKSS cao gấp 2,4 lần so với học khối lớp 10.
Tuy mới chỉ là nghiên cứu ở phạm vi nhỏ chưa thể khái quát cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhưng nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị giúp cải thiện tình trạng cung cấp thông tin về các vấn đề SKSS cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Giải pháp được đề xuất với từng nhóm đối tượng cụ thể là: Đối với học sinh THPT, các em cần chủ động tìm hiểu kiến thức, biết lựa chọn thông tin về vấn đề SKSS tin cậy, phù hợp với lứa tuổi để có thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Đối với nhà trường cần chú trọng các hình thức truyền thông về các vấn đề SKSS cả trong giảng dạy chính khóa và ngoại khóa. Bổ sung sách báo, tài liệu về các vấn đề SKSS trong thư viện cũng như phòng Y tế của trường. Với gia đình cần tạo không khí ấm cúng, gắn bó giữa cha mẹ với con cái. Phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe, gương mẫu, quan tâm hướng dẫn các em tìm hiểu thông tin về các vấn đề SKSS cho phù hợp. Với xã hội, cung cấp cho học sinh địa chỉ hoặc những trang thông tin lành mạnh về SKSS. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức truyền thông với nội dung phù hợp giới tính, lứa tuổi cho học sinh. Trong đó, chú trọng thông tin về thời điểm dễ thụ thai ở nữ giới, TDAT và các BPTT, nhấn mạnh BPTT an toàn nhất, hướng dẫn cách sử dụng các BPTT, nhấn mạnh hậu quả của QHTD không an toàn và cách xử trí.

V.Thanh