Cây vợt vàng của thể thao người khuyết tật

18/04/2018 08:56 Số lượt xem: 2264

Bị tật ở chân trái do biến chứng sốt bại liệt khi mới 2 tuổi nhưng đó không phải là trở ngại cản bước anh Nguyễn Văn Thương (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du) theo đuổi niềm đam mê với môn cầu lông. Nghị lực và những tháng ngày khổ luyện trên sân cầu đưa anh đến thành công với hàng chục tấm huy chương Vàng Giải cầu lông khuyết tật toàn quốc và nhiều lần đứng trên bục vinh quang tại các đấu trường quốc tế.

Vận động viên Nguyễn Văn Thương (trái) trên bục nhận huy chương Đồng nội dung cầu lông đôi nam tại Para game 8 tổ chức tại Singapo.

 

 

Trong căn nhà nhỏ của vận động viên Nguyễn Văn Thương tại thôn Đình Cả, kỷ vật về những giải đấu cầu lông trong nước, quốc tế có mặt ở khắp nơi. Hé lộ về một góc bộ sưu tập Huy chương đồ sộ các loại, anh Thương tự hào: “Đến giờ tôi cũng không thể nhớ hết mình có tổng số bao nhiêu Huy chương, riêng Huy chương ở các Giải toàn quốc, Para game, Giải Châu Á và thế giới chắc cũng gần 40 chiếc. Có thể nói thể thao đã thay đổi cuộc sống của tôi, là niềm vui, sự động viên, khích lệ để tôi nỗ lực phấn đấu hàng ngày, vượt qua những giới hạn của bản thân”.

Kỷ niệm tuổi thơ của Nguyễn Văn Thương chủ yếu gắn với niềm vui trên sân cầu. Ban đầu anh cầm vợt chỉ với mục đích thỏa mãn sự tò mò bởi vốn dĩ môn cầu lông đòi hỏi phải di chuyển liên tục trong khi một bên chân trái bị tật từ nhỏ. Càng chơi anh càng yêu thích, đam mê. Những động tác di chuyển cũng không thể làm khó được anh bởi sự dẻo dai của đôi tay và lối đánh thông minh. Ngày nào, Thương cũng cầm vợt ra sân luyện tập cùng bạn bè và cả những anh, chị lớn tuổi hơn trong làng. Nghị lực, sự miệt mài, tiến bộ từng ngày của anh khiến mọi người dần thay đổi cách nhìn. Ai nấy đều cảm phục, mến mộ bởi lẽ dù khuyết tật nhưng anh chơi cầu không hề thua kém, thậm chí giỏi hơn nhiều người bình thường. Cái tên “Thương Đình Cả” nhanh chóng nổi danh trong giới yêu thích cầu lông khắp trong và ngoài tỉnh.

Lần lượt chinh phục các giải thi đấu giao hữu, phong trào, Nguyễn Văn Thương càng thi đấu càng tự tin. Anh khát khao được thử thách bản thân, vươn tới những đấu trường lớn hơn. “Năm 2003, khi Việt Nam đăng cai tổ chức Sea game 23, qua theo dõi thông tin, tôi được biết đến giải thể thao Para game 2 dành cho người khuyết tật Đông Nam Á. Trong tôi bùng lên mong muốn được một lần góp mặt tại đấu trường quốc tế này. Tuy nhiên bấy giờ tỉnh Bắc Ninh chưa có bộ môn thể thao khuyết tật. Cách duy nhất là phải tìm đến CLB Khúc Hạo - cái nôi của thể thao khuyết tật Hà Nội” - anh Thương trải lòng.

Một mình lặn lội từ quê đến CLB Khúc Hạo xin tập thử, Nguyễn Văn Thương lập tức gây bất ngờ cho toàn bộ Ban huấn luyện. Ngay sau đó, tại giải tiền Para game tổ chức tại Hà Nội, anh xuất sắc giành 3 HCV và được gọi vào Đội tuyển cầu lông khuyết tật Việt Nam. Lần đầu tiên khoác trên mình màu áo quốc gia thi đấu tại đấu trường Para game 2 tổ chức trên sân nhà đối với Nguyễn Văn Thương là kỷ niệm không thể nào quên. Anh ba lần cùng đồng đội, đứng trên bục vinh quang với 1 HCB, 2 HCĐ. Đây cũng là bước ngoặt khiến anh nghiêm túc nghĩ đến việc trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.

Kể từ đó đến nay, dưới biên chế của đội thể thao khuyết tật Hà Nội, Thương luôn duy trì phong độ, đều đặn gặt hái được Huy chương tại Giải vô địch cầu lông khuyết tật toàn quốc và  góp mặt, mang vinh quang về cho Tổ quốc ở 8 kỳ Para game cùng nhiều kỳ Đại hội thể thao khuyết tật Châu Á. Năm 2015, tại giải vô địch cầu lông khuyết tật thế giới tổ chức tại Anh, Thương xuất sắc đạt HCĐ.

Chuỗi thành tích ấn tượng ấy khiến bất kỳ ai biết tới cũng phải nể phục nhưng với một người khuyết tật như Nguyễn Văn Thương còn mang ý nghĩa đặc biệt khác. Bỏ lại phía sau vinh quang từ các giải đấu, cầu lông mang đến một công việc giúp anh ổn định cuộc sống, mở ra cơ hội để khẳng định bản thân, tự tin vun đắp hạnh phúc. Trong gia đình nhỏ 5 thành viên, câu chuyện về những tấm Huy chương của anh luôn là niềm tự hào và là niềm cảm hứng để cậu con trai lớn nối nghiệp thể thao, phấn đấu trở thành một vận động viên vật xuất sắc trong tương lai.

Khuyết tật không có nghĩa là chịu đầu hàng số phận, giới hạn bản thân trong vỏ bọc tự ti - đó là điều Nguyễn Văn Thương luôn tâm niệm và mong muốn truyền cho những người khuyết tật xung quanh. Từ kinh nghiệm của mình, anh giúp đỡ cho nhiều bạn trẻ khuyết tật khác cũng đam mê thể thao tìm được con đường để phát triển. Còn riêng với bản thân, chừng nào sức khoẻ còn cho phép, anh vẫn muốn được tập luyện và nối dài thành tích thi đấu. Mục tiêu số một của Nguyễn Văn Thương lúc này là phấn đấu được góp mặt, ghi dấu ấn tại Para Olympic Tokyo 2020 - kỳ Thế vận hội người khuyết tật đầu tiên cầu lông trở thành môn thi đấu chính thức.

Hoài Phương