Cậu bé bại não và ước mơ trở thành lập trình viên

10/09/2018 16:21 Số lượt xem: 2363
Căn bệnh bại não bẩm sinh có thể cản trở em trong sinh hoạt, giao tiếp nhưng không bao giờ khuất phục được ý chí và nghị lực của em. Bởi khi ước mơ lớn hơn sự sợ hãi thì bản thân mỗi người sẽ cố gắng và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chạm đến ước mơ ấy…Đó là những gì chúng tôi thấy ở Nguyễn Văn Thuận – cậu học trò vừa giành giải Ba tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc, “Thí sinh khuyết tật xuất sắc” tại hội thi này.

Không chỉ học tốt, Nguyễn Văn Thuận (ngồi giữa) còn thường xuyên giúp đỡ các bạn có học lực yếu trong lớp. 

“Gian nan” đường đến trường

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với Thuận là sự tự tin và nụ cười luôn thường trực. Nhìn cậu con trai bại não yếu ớt ngày nào, nay đang dần hòa nhập với cuộc sống như những đứa trẻ bình thường, chị Đỗ Thị Hoài San, mẹ của Thuận ở thôn Công Cối, xã Đại Xuân (Quế Võ)  xúc động chia sẻ: “Sinh con ra, ai cũng mong con mình được khỏe mạnh, lớn lên sẽ là người giỏi giang, cống hiến tốt cho xã hội. Ngày con chào đời, niềm hân hoan chưa kịp tới thì tôi nhận ra những điểm bất thường, Thuận không khóc, không ngủ hai ngày, chân, tay co quắp, cả nhà rất lo lắng. Khi nghe bác sĩ cho biết bệnh tình của con, vợ chồng tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật bởi trước Thuận, tôi đã có một cháu trai hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Được năm tháng, vợ chồng tôi đưa con đi phục hồi chức năng ở Bệnh viện tỉnh. Sau đó, chúng tôi quyết định đưa con đi Hà Nội, ròng rã 6 năm ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương với hy vọng con sẽ phát triển hình thường”.

Trải qua nhiều phương pháp điều trị khác nhau, cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã xuất hiện, bù đắp cho sự cố gắng của Thuận và gia đình. Em bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên khó nhọc và vất vả. Không có được những vận động như một người bình thường, nhưng hàng ngày nhìn các bạn cùng trang lứa được chạy nhảy trên đôi chân của mình, được đeo cặp tung tăng đến trường, Thuận luôn “khát khao” được như vậy.

Dẫu luôn mong cho con bằng bè, bằng bạn nhưng bố mẹ Thuận luôn canh cánh một nỗi lo, sợ rằng đôi tay khòng khoèo không thể tự xúc ăn, tự mặc quần áo rồi cả những tiếng gọi mẹ bập bẹ muộn mằn thì con làm sao đi học, chiến thắng nỗi mặc cảm của một đứa trẻ khuyết tật…Chỉ khi thấy niềm mong mỏi và sự quyết tâm trong đôi mắt của cậu con trai, bố mẹ em mới quyết định cho Thuận đến lớp.

Những năm học tiểu học Thuận khổ sở vô cùng với việc phát âm, với những nét chữ đầu tiên. Bố đi công tác xa, đều đặn mỗi ngày dù mưa hay nắng mẹ đều đưa em đến lớp, ngồi học cùng con đến khi kết thúc buổi học. Những nét chữ ngoằn ngoèo, nghuệch ngoạc đầu tiên được viết ra trong sự cố gắng, nỗ lực của cậu con trai đã khiến bố mẹ Thuận trào nước mắt. Một niềm tin mãnh liệt vào nghị lực của đứa con tật nguyền đã thôi thúc chị vững tâm tiếp bước cho con trên chặng đường tương lai đầy gian khó!

Những nỗ lực được đền đáp

 Lên lớp 3, sức khỏe của Thuận tiến triển hơn, nên em không cần có mẹ ngồi cùng mỗi buổi học. Thay vào đó, Thuận tự ngồi học trên lớp bằng chiếc ghế đặc biệt mà bố mẹ đóng để phù hợp với sức khỏe của mình. Ban đầu, mọi người và chính bản thân Thuận đều cho rằng em đi học để thỏa nỗi khát khao được tới trường, lớp, có các bạn, thầy cô và được hòa nhập với cuộc sống bình thường, vậy là đủ. Nhưng hóa ra, bệnh tật chỉ làm khó em trên con đường đến trường mà không thể cản trở em tiếp cận những nguồn tri thức mới.

Biết đến môn Tin học từ năm lớp 4, cũng là lúc Thuận cảm thấy hứng thú với bàn phím, con chuột và những kiến thức bao la thông qua chiếc màn hình nhỏ. Tất cả những điều đó đã thôi thúc em tò mò, khám phá, tích cực học tập môn Tin học. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo cùng sự thông minh, nỗ lực của bản thân, Thuận sớm gặt hái được những thành công bước đầu đó là giải Khuyến khích tại sân chơi “Thi giải Toán qua mạng” năm lớp 4 và giải Ba môn Toán cấp huyện năm lớp 5.

Hiểu niềm đam mê của con, bố mẹ Thuận mua cho em một chiếc máy tính cũ để em có thêm thời gian tự học ở nhà. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp, Thuận giành một vài tiếng để học làm toán và đánh chữ trên máy tính để theo kịp bạn bè. Nhờ sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn, Thuận tiếp thu khá nhanh và thực hành máy tính thành thạo.

Không chỉ riêng môn Tin học, Thuận còn học tốt môn Tiếng Anh và học đều các môn khác. Nhiều năm liền, Thuận đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, em luôn có mặt trong các đội tuyển học sinh giỏi Tin, Toán của trường. Bên cạnh đó, Thuận còn được phân công giúp các bạn có học lực yếu ở trong lớp học các môn Tin, Toán từ đó nhiều bạn có kết quả học tập tiến bộ hơn.

Nguyễn Văn Thuận giành giải Ba và là “Thí sinh khuyết tật xuất sắc nhất” tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2018.

 

Em Lê Công Hoàng, bạn thân của Thuận chia sẻ: “ Em cảm thấy may mắn khi trở thành bạn đồng hành của Thuận trong những năm học qua. Dù  khuyết tật nhưng Thuận luôn rất lạc quan trong cuộc sống và có lực học đáng ngưỡng mộ mà nhiều bạn bình thường cũng chưa chắc làm được. Với em và nhiều bạn khác, Thuận là một tấm gương sáng để học tập”.

Vừa qua, Thuận là một trong 3 thí sinh đại diện cho Bắc Ninh đi thi Hội thi Tin học Trẻ toàn quốc lần thứ XXIV do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam tổ chức tại thành phố Vũng Tàu và giành giải Ba. Thuận cho biết: “Để có kết quả tốt tại cuộc thi, em đã dành khá nhiều thời gian để ôn luyện. Hội thi  để lại cho em nhiều kỷ niệm sâu sắc và những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là kỹ năng lắng nghe và làm việc theo nhóm. Cũng nhờ cuộc thi này, em tìm được rất nhiều bạn mới đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, chúng em kết nối với nhau thông qua việc thành lập nhóm rồi chia sẻ kinh nghiệm học tập sao cho hiệu quả”.

Năm học cuối cấp 2 vừa qua, Thuận đạt số điểm khá cao, đủ để đỗ vào một vài trường THPT top đầu của tỉnh, nhưng do điều kiện sức khỏe nên em quyết định học tại trường THPT Quế Võ số 1 để thuận tiện cho việc đi lại. Bước vào năm học mới với sự nỗ lực, quyết tâm cao, cậu học trò khuyết tật giàu nghị lực khiến chúng tôi xúc động khi tâm sự: “Mỗi người có một số phận khác nhau, em không sợ thất bại, mà chỉ sợ bản thân không nỗ lực. Ước mơ thi đỗ vào Trường Ðại học Bách Khoa, trở thành lập trình viên giỏi là mục tiêu phấn đấu của em trong những năm tiếp theo”.

Nguyễn Hoa-Trần Thư