Cán bộ Hội điển hình làm kinh tế gia đình

28/03/2019 08:18 Số lượt xem: 1063
Đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Tự (sinh năm 1948) ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông (Thuận Thành) vào thời điểm vừa “lên đồng”, máy cày để đầy sân đầy cổng vẫn còn lấm lem bùn đất, cạnh đó là máy gặt, máy bơm nước, máy gieo sạ chật hết khoảng sân. Ông Nguyễn Xuân Yêm, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong xã cũng đến để cùng ôn lại những ngày tháng khói lửa 40 năm trước.


Cuối năm 1978 tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta cùng “nóng” lên. Bên cạnh việc tăng cường quân số xây dựng mới các đơn vị quân đội chủ lực thì việc tăng cường quân số cho các đơn vị lâm, nông trường biên giới làm nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết. Huyện Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc cũ) nhận lệnh huy động 8 Đại đội, quân số 750 người bổ sung cho các huyện Thạch An, Quảng Hòa (Cao Bằng) và Văn Lãng (Lạng Sơn). Nhiều cán bộ huyện, xã, kể cả cán bộ chủ chốt, phải rút đi xây dựng khung các đại đội, trung đội. Ông Nguyễn Văn Tự từng trải qua quân ngũ thời đánh Mĩ (1969-1971) trong số cán bộ địa phương được điều động tham gia giữ chức Trợ lí tham mưu tiểu đoàn, kiêm Trung đội phó Trinh sát.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khắc phục chiến tranh, do các nông trường, lâm trường không thể khôi phục sản xuất vì đất đai bị địch gài lại nhiều bom mìn, cơ sở kinh tế bị phá hoại nên tháng 11-1979 các đơn vị của huyện Thuận Thành được giải thể, một số chuyển ngành, một số về địa phương cũ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tự chuyển ngành về công tác tại Văn phòng UBND huyện Thuận Thành. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn ông xin nghỉ công tác trên huyện về công tác tại địa phương nhằm có thời gian xây dựng kinh tế gia đình. Ông trải qua nhiều công việc khác nhau như cán bộ tài vụ, đội trưởng sản xuất…
Năm 2001 ông quyết định tạo đột phá trong việc mua máy cày về làm dịch vụ cày bừa. Ban đầu vốn liếng ít ông chỉ dám mua loại máy cày cầm tay. Sau 2 năm quen việc, ông bán máy cầm tay để mua 2 chiếc máy cày Trung Quốc công suất lớn hơn. Với tinh thần phục vụ chu đáo, làm đất kĩ nên “đơn đặt hàng” mỗi ngày một tăng. Năm 2005 ông mua thêm 1 máy cày Nhật. Rồi lại mua thêm một máy cày Trung Quốc và 1 máy cày Nhật nữa. Ông nhận làm toàn bộ diện tích canh tác 225 mẫu của thôn. Tiếp tục sắm máy gặt để đảm nhiệm khâu thu hoạch hết diện tích nhận làm dịch vụ cày bừa. Tổng đầu tư mua sắm máy móc lên đến gần 800 triệu đồng.
Trước tình hình người dân mở mang làm ăn theo hướng dịch vụ, đồng ruộng “ế”,  sẵn máy làm đất ông nhận hết các chân ruộng dân không muốn làm, diện tích lên đến 20 mẫu. Do khối lượng công việc lớn, ông Tự tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, nhất là vào thời điểm vụ cày vụ gặt. Hằng năm trừ hết các khoản chi phí, khấu hao, gia đình ông Tự thu 392 triệu đồng dịch vụ cày bừa và gặt lúa, 300 triệu đồng từ thu hoạch thóc cấy 20 mẫu ruộng. Chỉ bám đồng ruộng ở quê mà có số thu như vậy thì thật là đáng nể.
Với nhiệt tình và kinh nghiệm công tác tập thể, ông Nguyễn Văn Tự được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội CTNXP xã Gia Đông. Năm 2018 ông là điển hình làm kinh tế giỏi được Hội CTNXP tỉnh Bắc Ninh biểu dương.

Phạm Thuận Thành (Thường Vũ, An Bình, Thuận Thành)