Bức tranh kinh tế 6 tháng qua các chỉ số

18/07/2018 08:20 Số lượt xem: 1507
Bước sang năm 2018, kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ triển vọng khả quan của các lĩnh vực chủ chốt, điều này tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Trong bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh, cả 3 khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trong quý I.

 

6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm GRDP đạt 76.187,5 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 17% so cùng kỳ năm 2017. Sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi về thị trường, đáng chú ý là giá thịt lợn tăng mạnh, cùng với sự phát huy hiệu quả cao của các chính sách hỗ trợ đã khuyến khích phát triển sản xuất. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 4.922 tỷ đồng, đạt 56,3% kế hoạch năm. Công nghiệp sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng cao (từ cuối năm 2017) tạo nền tảng cho quý I tăng 32,8%, nhưng từ tháng 4 sản xuất chững lại, với biên độ dao động khá lớn. Song tính chung 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất đạt 476.892 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ.

Về thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 25.673 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ, mức tăng đều ở các loại hình kinh tế, đáng chú ý là kinh tế tập thể tăng 14,6%. Hoạt động ngoại thương tiếp đà phát triển, kim ngạch xuất khẩu ước 16,45 tỷ USD, tăng 37,9% so cùng kỳ, nhập khẩu 12,58 tỷ USD, xuất siêu đạt 3,87 tỷ USD, trong khi đó cả nước xuất siêu chỉ đạt 2,75 tỷ USD. Như vậy giá trị xuất siêu của cả nước đóng góp chính là từ Bắc Ninh.

Đáng chú ý là tỉnh tích cực thực hiện thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp. Tổ chức thành công các buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối thoại về chính sách thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh cam kết đồng hành, tiếp nhận và trực tiếp trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Qua đó môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, dòng vốn đầu tư tiếp tục tịnh tiến vào tỉnh.

Toàn tỉnh, thu hút 96 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 212 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 60 dự án, số vốn tăng thêm 458,7 triệu USD. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 73 dự án và cấp điều chỉnh vốn 48 dự án trong nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 17.781 tỷ đồng. Thành lập mới 1.003 doanh nghiệp, 309 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh với tổng vốn đăng ký 7.303 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.635 tỷ đồng, đạt 61,3% dự toán năm, tăng 30% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 11.803 tỷ đồng, đạt 65,7% dự toán năm, tăng 24%; thu từ các doanh nghiệp FDI 4.329 tỷ đồng, tăng 15%. Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phát triển an toàn, ổn định, bảo đảm tốt khả năng thanh khoản. Tổng nguồn vốn huy động 90.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay 72.500 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2017, nợ xấu chiếm 0,87%.

Có thể thấy rõ bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm được khắc họa sinh động thông qua từng chỉ số cụ thể. Tuy nhiên theo nhận định, xu hướng tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn bởi những nguyên nhân sau: Với đặc thù là tỉnh thu hút FDI lớn, các doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều về tạo ra việc làm, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, nên tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kịch bản tăng trưởng của tỉnh quý I đạt rất cao (tăng 31,4%), cao hơn mức 18,9% của kịch bản đề ra, nhưng quý II tăng trưởng giảm hơn (chỉ tăng 8,6%), thấp hơn mức 12,2% của kịch bản. Xu hướng này còn tiếp tục diễn ra trong quý III, vì do thị phần tiêu thụ điện thoại ở phân khúc tầm trung của SEV ở một số thị trường sụt giảm, riêng Trung Quốc sụt giảm mạnh (chỉ còn khoảng 2% so với mức 20% của năm 2013), sản phẩm mới chỉ được SEV tung ra thị trường vào cuối tháng 9 tới. Mặt khác, nhóm sản phẩm màn hình điện thoại (OLED) của SDV sản lượng tiêu thụ không đạt mục tiêu 45-50 triệu chiếc do lượng tiêu thụ của iPhone X giảm và khó có khả năng tăng lên trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, diễn biến gần đây của thương mại quốc tế, là “cuộc chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục, “cuộc chiến” này cũng tác động đến hệ thống các nhà cung cấp, nhà phân phối của các tập đoàn đa quốc gia sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

 Để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,1% cả năm thì quý III phải đạt ít nhất 6% và quý IV đạt ít nhất 4%. Giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm là: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nâng tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm thông qua các liên kết, liên doanh sản xuất giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI; cải tiến quy trình sản xuất, tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhỏ và vừa trong nước, công nghiệp làng nghề. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại và dịch vụ trong các KCN. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh, cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 1-5-2018 của Chính phủ “Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh.

Tuy có những khó khăn chung, nhưng nếu Bắc Ninh tận dụng tốt các năng lực, tiềm năng hiện có, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 11,1% của cả năm 2018.

Thái Uyên