Bóng chuyền nữ Kinh Bắc trên hành trình chuyên nghiệp

15/08/2018 08:51 Số lượt xem: 2432
Với chiến thắng tuyệt đối trước các đối thủ tại vòng loại và bán kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2018, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc đã khẳng định bước đi vững chắc trên con đường hiện thực hóa mục tiêu giành suất chính thức tham gia sân chơi vô địch Quốc gia năm 2019.

 

 

Pha bóng trong trận đối đầu giữa đội Hải Dương và đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc tại giải Bóng chuyền nữ Kinh Bắc- Cúp IMP 2018.
 
Tạo thương hiệu qua từng trận đấu
Được đầu tư bài bản, có chiều sâu nhằm hướng đến chuyên nghiệp nên ngay từ khi thành lập, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc đã mang trong mình sự kỳ vọng lớn lao của giới chuyên môn và người hâm mộ để từ đó tạo tiền đề vươn tầm khu vực và quốc tế. Kỳ vọng đó đang dần trở thành hiện thực, khi ngay mùa giải đầu tiên đội Kinh Bắc xuất quân đã đem về chiếc cúp đầu tiên cho người hâm mộ tỉnh Bắc Ninh tại giải Bóng chuyền nữ Kinh Bắc- Cúp IMP 2018 (2- 2018). Đây là bước chạy đà hoàn hảo cho đội chinh phục những thử thách lớn hơn phía trước.
Bước vào giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2018 (mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của đội), đội Kinh Bắc một lần nữa cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giải, cũng như thể hiện được sức mạnh vượt trội trước các đối thủ. Điều đáng nói là sức mạnh mà đội tạo ra luôn được duy trì và thể hiện từ vòng bảng, đến vòng bán kết đều giành chiến thắng trước đối thủ với tỉ số 3-0. Những chiến thắng ấn tượng ấy không chỉ làm kinh ngạc giới chuyên môn mà còn thỏa khát vọng mong mỏi bấy lâu của người hâm mộ tỉnh Bắc Ninh.
Trên con đường chuyên nghiệp phía trước, đội Kinh Bắc chỉ còn một chặng đường nữa, đấy là vòng chung kết hạng A toàn quốc được tổ chức vào tháng 10, tại Bắc Ninh tới đây trước các đối thủ: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Binh chủng Thông tin Liên lạc, Vĩnh Phúc. Đây đều là những bại tướng của đội ở vòng bán kết, nên nếu không có bất ngờ gì xảy ra tấm vé thăng hạng lên chơi giải vô địch Quốc gia 2019 gần như chắc chắn nằm trong tay thầy trò HLV Phạm Văn Long, Phạm Thanh Hà.
Còn đó những khó khăn trên con đường chuyên nghiệp
Chứng kiến những trận đấu của đội tại sân chơi hạng A, giới chuyên môn đều chung nhận định: “Suất lên chơi giải vô địch Quốc gia 2019 khó có thể tuột khỏi tay đội Kinh Bắc”. Tuy nhiên, điều khiến những người làm bóng chuyền Bắc Ninh, cũng như Ban huấn luyện đội Kinh Bắc trăn trở, lo lắng lại là chặng đường dài phía trước, đấy là việc đào tạo VĐV trẻ, nguồn kế cận quan trọng cho đội bóng khi lên chơi ở hạng cao nhất toàn quốc. Bởi chỉ vài năm nữa thôi những trụ cột của đội hiện nay như Đinh Thị Trà Giang, Nguyền Thị Hường, Vũ Thị Hoa, Nguyễn Huyền Trang, Phạm Thị Thúy Nga, Lê Thị Hải Yến, Nguyễn Thu Hà… đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, nếu đội Kinh Bắc giành suất tham dự giải vô địch Quốc gia sẽ cùng lúc phải thi đấu ở cả hai mặt trận là đội một và đội trẻ. Vì thế xây dựng và bảo đảm đủ về số lượng cũng như chất lượng VĐV ở cả 2 tuyến lúc này đang là bài toán cần sớm có lời giải của Ban lãnh đạo và Ban huấn luyện đội bóng.
Huấn luyện viên Phạm Văn Long cho hay: Không giống với giải hạng A, giải vô địch Quốc gia là sân chơi của những đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu cả nước nên tính cạnh tranh, đào thải cực kỳ quyết liệt. Việc đội bóng được thăng hạng đã khó, nhưng giữ hạng và cạnh tranh thứ hạng vào tốp trung bình, khá  để từng bước san lấp dần khoảng cách với những đối thủ nhóm trên để xác lập Thương hiệu của đội là điều không hề đơn giản với thực lực của đội Kinh Bắc lúc này.

 

Người hâm mộ luôn đồng hành với đội trong từng trận đấu.
Trong ảnh: Khán giả Bắc Ninh xuống sân động viên đội bóng tại giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2018
.

Vấn đề chính lúc này là việc đầu tư, bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, do tính chất cạnh tranh khốc liệt của giải đấu chuyên nghiệp nên việc chuyển nhượng cầu thủ giữa các đội bóng được cho là cực kỳ khó khăn. Việc tiếp cận, bảo đảm chế độ đãi ngộ hiện tại và tương lai cho VĐV… là rào cản không nhỏ khi thương thảo với những VĐV hàng đầu của các đội. Vì thế việc tìm và đào tạo nguồn VĐV trẻ để bổ sung, thay thế cho lớp đàn chị vẫn là phương án khả thi nhất. Tuy nhiên do mới được đưa vào đào tạo, chất lượng và số lượng của đội trẻ Kinh Bắc vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Hiện tại đội trẻ có 10 VĐV, nhưng số VĐV có triển vọng, đủ khả năng gánh vác trọng trách của đàn chị để lại trong khoảng 2-3 năm nữa là không nhiều. Với số lượng nguồn mỏng như hiện nay, đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc đang gặp khó khăn, thách thức thực sự trong việc duy trì trên sân chơi chuyên nghiệp ở những mùa tiếp theo.
Hi vọng thời gian tới, cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, nhà tài trợ, đặc biệt sự thành công của đội trên các đấu trường sẽ tạo lên một thương hiệu Kinh Bắc có sức hút đủ lớn đối với những VĐV hàng đầu trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam tìm đến đầu quân cho Kinh Bắc.
Bài, ảnh: Đức Quý