Bốn chấm không!

13/12/2018 09:06 Số lượt xem: 920
“Bác Năm này, bốn chấm không là cái gì mà thời gian gần đây báo chí nói đến nhiều thế và hôm trước trong buổi họp dân, anh Quảng trưởng thôn cũng có nhắc đến là chúng ta phải đổi mới để xây dựng khu dân cư 4.0, rồi tiến tới xây dựng Chính quyền 4.0”. Bà Sâm đang ngồi tuốt rơm hỏi.

Ai mà biết được “bún chấm không, hay bún chấm muối”, nghe xong cũng để đấy, chứ có thấy nó ảnh hưởng gì đến tôi và bác đâu. Khu dân cư 4.0 kiểu gì mà có cái đường ống nước trong ngõ bới lên hàng tháng nay vẫn chưa làm xong. Đất, đá đầy đường, để mấy đứa trẻ hàng ngày đi học bị vấp ngã trầy hết cả chân tay. Bác Năm thủng thẳng nói.

Nhưng tôi thấy thằng Cò cháu nội tôi nó bảo xem trên Gu-gờ, đó là cuộc cách mạng công nghiệp bốn chấm không (4.0) là Internet, công nghệ số,… Nó giải thích vòng vèo lắm, tôi nghe cũng không hiểu. Bác Vân tham gia câu chuyện.
Nghe câu chuyện mấy chấm… của các bác trong thôn khiến tôi liên tưởng đến một thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là không chỉ các bác nông dân, mà nhiều cán bộ, cơ quan, đơn vị cũng đang rất mơ hồ về cụm từ Công nghiệp 4.0”. Nhưng người ta lại rất hay lạm dụng dùng cụm từ 4.0 trong mọi hoạt động, công việc.
Còn anh Trung (cán bộ một cơ quan cấp tỉnh), đang ngồi uống trà với bố tôi nói: Tôi chứng kiến nhiều cuộc hội thảo tổ chức với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội và thách thức”, nhưng sau đó cũng đành thất vọng bởi các vấn đề đưa ra hết sức chung chung và xa vời, đại loại là: Nó sẽ tác động mạnh vào đời sống của con người nhất là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây…
“Trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây”… nói cho thấy sang mồm chứ nội hàm của chúng là gì? đại đa số người dân, doanh nghiệp, kể cả một số cán bộ đầu ngành cũng chưa cắt nghĩa được rõ ràng, cụ thể? Mọi giới trong xã hội đã vào cuộc rầm rộ để đón nhận cách mạng công nghiệp 4.0 và cho rằng nó đã và đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu. Nhưng theo tôi, cần hơn là những hành động thực sự, chứ không chỉ hô hào chung chung”. Anh Trung nói với tôi.
Chúng ta không thể nghiêm trọng hóa thái quá một cuộc cách mạng nào đó. Bởi cuộc sống của con người không đứng yên, nhưng cũng không đảo lộn ngay lập tức một cách dễ dàng. Số hóa trong hoạt động là tốt, nhưng không phải cứ số hoá ắt sẽ thành công, muốn số hóa thì phải dựa trên nền tảng hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, phải có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt. Còn công nghệ, trí tuệ nhân tạo… dù có tối tân đến đâu đi chăng nữa cũng chỉ là công cụ cho con người vận dụng trong điều hành quản lý để phục vụ người dân tốt hơn.
Thiết nghĩ, đích đến cuối cùng chính là cải thiện, nâng cao “chất lượng sống” cho mọi người dân mới là mục tiêu cốt lõi của các nhà quản lý. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải làm chủ và vận dụng công nghệ tiên tiến đó làm sao cho đúng, phù hợp, hiệu quả, thì việc khoác lên nó một cái áo “mấy chấm” không còn là vấn đề quan trọng nữa.
 

Thái Uyên