Bồi dưỡng nghề bằng những chuyến đi

20/06/2018 08:30 Số lượt xem: 1368
Mới đó đã 10 năm tôi gắn với nghề báo. Tính năm, tính tháng vào nghề thì vậy, song tôi hiểu với nghề báo thì ngần ấy thời gian “chỉ đủ để học những kỹ năng cơ bản và viết lách tạm ổn” như một nhà báo lão thành từng tâm sự.

Phóng viên tác nghiệp.

 

Chính vì vậy, tôi vẫn đang tiếp tục học nghề, bồi dưỡng vốn sống bằng những chuyến đi để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm nghề và đẫm mình trong tình đất, tình người...

Khắp các thôn làng của 126 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Ninh không có nơi nào mà cánh nhà báo địa phương như chúng tôi chưa từng đặt chân đến. Hầu hết những người mới bước vào nghề đều chấp nhận dấn thân, vượt qua mọi gian khó để có được những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Mỗi khi thấy những cảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ, những gương điển hình tiên tiến cần tuyên dương hay cả  vấn đề bức xúc, nhạy cảm được dư luận quan tâm, chúng tôi lại hồ hởi đội mưa, đội nắng đi làm. Ấy vậy mà khi có cuộc thi viết về nhân tố điển hình gương người tốt việc tốt tôi vẫn thấy rất “bí” khi đi tìm đề tài. Làm báo tỉnh nhỏ cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Lợi là địa bàn gần, phóng viên đi cơ sở không phải “nằm vùng” cả tuần như các báo bạn, nhưng khó khăn ở chỗ để tìm một đề tài mới, nhân tố điển hình chưa ai phản ánh, đề cập cũng chẳng dễ chút nào”.

Tình cờ vào một ngày tháng 8 - 2012, khi tôi về xã Mộ Đạo (Quế Võ) viết bài làng quê đổi mới, thấy rất nhiều người dân ca ngợi, thán phục ông Nguyễn Đức Nam thôn Mộ Đạo một người có thâm niên 5 năm làm Phó Công an xã, 10 năm làm Trưởng thôn kiêm Chủ nhiệm HTX nhưng lại xin miễn nhiệm trước thời hạn để hàng ngày về “dấn thân” với nắng mưa mùa vụ, hết cấy, cày rồi gặt hái. Từ câu chuyện ấy dẫn lối tôi tìm gặp bằng được “lão nông” này. Khi trực tiếp gặp gỡ người thực, việc thực, tôi mới thấy những mỹ từ của người dân dành cho ông không sai chút nào. Ông được mệnh danh là “linh hồn” của tổ hợp tác cơ giới hóa, một mô hình cơ giới hóa đầu tiên của tỉnh được áp dụng từ khâu làm đất đến khi thu hoạch. Có người còn ví ông là một “cuốn từ điển sống của đồng ruộng” bởi bất kỳ những thắc mắc dù nhỏ nhất liên quan đến cây trồng mùa vụ đều được ông lý giải tận tình và khoa học. Tôi thầm nhủ đây chính là nhân tố điển hình chứ cần tìm đâu xa. Sau nhiều lần đi lại, tôi hoàn thành bài viết về “Lão nông đi đầu cơ giới hóa” và tác phẩm này được nhận giải Báo chí Ngô Gia Tự do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức năm 2013.

Để có những đứa “con tinh thần” tròn trịa vẹn nguyên phục vụ bạn đọc là công sức của cả dây chuyền làm báo, không chỉ có người cầm bút thể hiện tác phẩm mà còn có trợ sức từ các phòng, ban chuyên môn, đặc biệt công sức, trách nhiệm cao của người làm biên tập đã gọt giũa, loại bỏ những hạt “sạn” trong bài để các tác phẩm thêm sức hút hơn…

10 năm làm báo, không nhớ nổi đã có bao chuyến đi, gặp gỡ bao nhân vật và có bao tác phẩm được đăng báo? Thực tế, mỗi chuyến đi, mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần mới lạ, không lần nào giống lần nào và kết quả thu nạp được cũng không giống nhau. Và tôi hiểu nghề báo, bên cạnh kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, vẫn cần lắm vốn sống từ những chuyến đi. Những chuyến đi tiếp tục “gọi” những chuyến đi để lửa nghề tiếp tục cháy sáng…!

Dương Cầm