Biệt đội Xét nghiệm - Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch

24/02/2021 17:04 Số lượt xem: 1793
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, cùng với đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp theo dõi, chăm sóc cho những người nghi nhiễm được cách ly thì các cán bộ làm công tác xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng rất vất vả bởi áp lực tìm ra căn nguyên, chân tướng của vi rút SARS-CoV-2 một cách chính xác nhất, giúp cho công tác cách ly, điều trị kịp thời, hiệu quả...

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng.

Tháng 4-2020, khi diễn biến của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trở nên phức tạp; Bắc Ninh liên tiếp thực hiện tiếp nhận nhiều đợt chuyên gia, lao động nước ngoài và các du học sinh trở về nước, nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 cấp thiết hơn bao giờ hết. Để đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) nhanh chóng triển khai  thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (COVID-19) bằng kỹ thuật Realtime PCR. Đây là kỹ thuật sinh học phân tử có độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Công tác xét nghiệm được thực hiện tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 (tách chiết mẫu bệnh phẩm trong phòng áp lực âm), cho kết quả trong vòng 5-6 tiếng. Mỗi ngày có thể xét nghiệm tối đa cho 100-150 trường hợp… Có được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống y tế tỉnh Bắc Ninh nói chung, CDC nói riêng và đặc biệt là những cán bộ làm xét nghiệm. Bởi khi công tác xét nghiệm được thực hiện sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khống chế dịch bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Thời gian này, bên cạnh việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm chẩn đoán, CDC Bắc Ninh bố trí 12 cán bộ, chia 3 ca tham gia trực tiếp công tác lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID -19. Để đáp ứng yêu cầu chống dịch, yêu cầu về công tác xét nghiệm mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Riêng đợt địch đầu năm 2021, ngoài yêu cầu nâng cao công suất xét nghiệm thì nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm cho tuyến huyện là nhiệm vụ mới nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xét nghiệm diện rộng do có một số ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực có hạn mà khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn nên đội ngũ cán bộ khoa Xét nghiệm phải làm việc liên tục không kể ngày đêm. Thạc sĩ Ngô Thị Hồng, cán bộ y tế trực tiếp tham gia lấy mẫu và xét nghiệm cho biết: “Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm ngay để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dù không ai bảo ai, nhưng mọi người đều trong tâm thế chạy đua với thời gian để có được những kết quả xét nghiệm đáp ứng khẩn cấp công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc phải hoàn thành những xét nghiệm thường quy phục vụ khám chữa bệnh và xét nghiệm hệ y tế dự phòng, thì đội ngũ cán bộ xét nghiệm luôn phải thường trực sẵn sàng đi lấy mẫu và tổ chức bố trí xét nghiệm SARS-CoV-2 ở mọi thời điểm…
Bác sĩ  Vương Thị Tuyến,  Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, CDC Bắc Ninh chia sẻ: “Xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả  các quy trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác. Chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành, của tỉnh”.
Một áp lực và rủi ro khác đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 là phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và các mẫu bệnh phẩm. Do đó, tiêu chuẩn để lựa chọn những cán bộ thực hiện trực tiếp xét nghiệm SARS-CoV-2 phải là những người giàu kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn và có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học.
“Biệt đội Xét nghiệm” là tên gọi mà các đồng nghiệp ở CDC Bắc Ninh đặt cho nhóm gồm 4 nữ cán bộ xét nghiệm của CDC Bắc Ninh gồm: Ngô Thị Hồng, Hoàng Thị Dung, Đỗ Thu Thảo và Nguyễn Thị Cẩm Anh . Để bảo đảm an toàn và đáp ứng tối đa yêu cầu công việc, có thời điểm nhiều ngày liền họ không được về nhà, mọi sinh hoạt, ăn uống, làm việc tại chỗ để sớm tìm ra vi-rút SARS-COV-2 trong mỗi mẫu bệnh phẩm.
Theo chia sẻ của các nữ “Biệt đội Xét nghiệm”, họ phải ngồi liên tục nhiều giờ trong phòng xét nghiệm, có những khi phải thay nhau làm việc từ sáng đến nửa đêm mới được nghỉ. Thức xuyên đêm, nhưng sáng hôm sau họ lại phải bắt nhịp với guồng quay mới. Chưa kể, đồ bảo hộ dù bức bách, khó chịu, việc tuân thủ quy định vẫn phải được thực hiện nghiêm túc.
Vừa cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, dấu vết của khẩu trang còn in hằn trên khuôn mặt, Cẩm Anh chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ xét nghiệm COVID-19, thực sự bản thân tôi có ít nhiều áp lực. Một mặt, vì đó là bệnh dịch mới, mặt khác cũng phải phải xa nhà một thời gian. Nhưng được trang bị kiến thức chuyên môn cũng như có các biện pháp bảo hộ cho bản thân và lao vào guồng quay công việc rồi thì không còn thời gian và tâm sức để suy nghĩ những chuyện khác nữa. Dù công việc vất vả và nhiều áp lực, nhưng được đồng nghiệp, người thân động viên, tiếp thêm sức mạnh, chúng tôi kiên định và tự hào vì được đóng góp phần nhỏ bé vào công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Cuộc chiến chống “giặc: COVID-19” còn có thể kéo dài và những cán bộ xét nghiệm sẽ còn phải tiếp tục hy sinh bản thân, gia đình để dành tất cả cho cuộc chiến mới đầy cam go này. Họ đang làm đẹp thêm hình ảnh những cán bộ y tế chân chính, họ đang nhân lên sức mạnh, niềm tin để chúng ta chiến đấu và chiến thắng đại dịch này, mang lại sự bình yên, an toàn cho sức khỏe nhân dân.

Thế Thực- Lê Hồng