Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá

27/05/2020 19:50 Số lượt xem: 1398
Thuốc lá - thủ phạm của nhiều bệnh không lây truyền nhưng gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm và hơn 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc thụ động trên toàn thế giới. Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện chất nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá, đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…

Có lẽ nhắc lại bao nhiêu lần cũng vẫn là chưa đủ để cảnh báo về những nguy cơ bệnh tật do khói thuốc lá mang lại đối với sức khoẻ con người. Phải khẳng định rằng, dù là hút thuốc chủ động hay thụ động, khói thuốc lá chứa tới 7.000 hoá chất, trong đó có 69 chất gây ung thư cần phải được coi là nguyên nhân tạo nên gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế cho các quốc gia, kinh tế gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo. Theo thống kê của Bệnh viện K T.Ư năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới gần 97%. Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khoẻ mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS 2015) cho thấy 22,5% người Việt Nam tuổi 15 trở lên đang hút thuốc, tức là ước tính khoảng 15,6 triệu người Việt Nam trưởng thành đang hút thuốc. Mặc dù có xu hướng giảm so với kết quả đánh giá năm 2010, song với tỷ lệ 45,3% nam giới hút thuốc, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới.

 

Diễu hành tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2019.

 

Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tình hình triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” tại tỉnh Bắc Ninh năm 2018 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy có 47,2% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá. Tỷ lệ này đã giảm được 2,7% sau 3 năm (năm 2015, tỷ lệ này là 49,2%). Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ nam giới hút thuốc lá tăng dần từ 15 tuổi với 16,3% và cao nhất ở độ tuổi 45-54 (chiếm tới 64,1%), sau đó lại giảm dần từ tuổi 55 trở đi. Nhóm tuổi bắt đầu hút thuốc của đối tượng nghiên cứu là nam giới (được thực hiện khảo sát ở 566 người) phần lớn từ 16-20 tuổi (chiếm tới 52,2%) và tỷ lệ bắt đầu hút thuốc giảm dần khi nhóm tuổi tăng lên. Song đáng nói, vẫn có tới 1,5% người hút thuốc bắt đầu hút trước 15 tuổi.
Liên quan đến việc bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá, trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (FCTC) mà Việt Nam đã ký kết cũng nêu rõ: Sẽ thông qua và thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính và các biện pháp khác có hiệu quả tại cấp Chính phủ phù hợp để cấm việc bán các sản phẩm thuốc lá cho những người dưới tuổi quy định.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định chi tiết cấm hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá, hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng. Luật cũng quy định: Không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Tuy nhiên, chỉ với một khảo sát nho nhỏ có thể nhận thấy thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi người hoàn toàn dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác… Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá 1 bao, 1 tút, 1 hộp của nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng (nghĩa là vi phạm Điều 25 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá). Trẻ em cần và xứng đáng được sống lành mạnh trong môi trường không khói thuốc. Với thực trạng thuốc lá bán lẻ rất phổ biến trong khi không thể kiểm soát được tình trạng thanh thiếu niên mua thuốc lá, dù là mua để hút hay mua giúp người lớn, đối tượng này cần được bảo vệ tốt hơn bởi những biện pháp thực sự hiệu quả, trong đó có thể bắt đầu từ mỗi gia đình, bằng cách không để trẻ tiếp cận với khói thuốc và các sản phẩm thuốc lá.

Việt Hoa