Bảo vệ tài nguyên nước trước biến đổi khí hậu

22/03/2019 08:24 Số lượt xem: 889
Tài nguyên nước vô cùng thiết yếu trong đời sống xã hội, duy trì sự sống của con người. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hiện tượng biến đổi khí hậu bất thường khiến tài nguyên nước bị đe dọa nghiêm trọng, rất cần sự quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Theo Báo cáo kỹ thuật của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC): Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và nguồn năng lượng. Các hệ sinh thái bao gồm rừng, đất ngập nước và vùng đồng cỏ là trung tâm của chu trình nước toàn cầu. Nguồn nước phụ thuộc vào sự hoạt động liên tục của các hệ sinh thái lành mạnh, việc nhận ra và nắm rõ các chu trình của nước là điều đặc biệt quan trọng trong việc quản lý bền vững tài nguyên nước. Nước dùng cho phát triển nông nghiệp, cho năng lượng và sinh hoạt hàng ngày của con người. Nếu sử dụng nguồn tài nguyên nước không kiểm soát và thiếu bền vững sẽ dẫn đến suy thoái hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung.
Toàn thế giới chỉ có khoảng 2% nước ngọt, còn lại 98% là nước mặn. Trong 2% nước ngọt thì đến gần 70% lượng nước là tuyết và băng, 30% nước ngầm, dưới 0,5% nước mặt ở các sông, hồ. Nhiệt độ trái đất tiếp tục nóng lên, con người phải đối mặt với sự thiếu nước đáng kể trong sinh hoạt và tình trạng hạn hán. IPCC cũng chỉ ra rằng, hiện khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang phải sống trong các khu vực khô hạn, khan hiếm nước ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. Đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống ở những khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước. An ninh nước trở thành vấn đề lớn mà mỗi quốc gia phải đối mặt mỗi ngày.
Chúng ta cần có biện pháp để phân bổ, điều tiết và bảo tồn tài nguyên nước trước biến đổi khí hậu. Trong đó, hệ thống thông tin rất quan trọng cho việc giám sát tài nguyên nước như phân tích, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để bảo vệ tài nguyên nước, tái chế nước mưa, nước thải, phát triển các nguồn nước, tăng cường lưu trữ nước. Đồng thời giảm sử dụng năng lượng, huy động sự tham gia bảo vệ thiên nhiên của con người… cũng là biện pháp làm giảm sự suy kiệt nguồn nước.
Hiện trạng tài nguyên nước mặt toàn tỉnh có khoảng 34 tỷ 900 triệu m3 /năm. Tổng lượng nước mặt được khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt khoảng 500 triệu m3/năm. Hiện trạng tài nguyên nước dưới đất: Tổng trữ lượng toàn tỉnh khoảng 255.248.150 m3 /năm. Tổng lưu lượng khai thác hiện tại khoảng 94.900.000 m3/năm. Hiện trạng xả thải vào nguồn nước với lưu lượng xả thải trung bình khoảng 113.150 m3/năm. Hệ thống sông ngòi, ao hồ phong phú, 3 sông liên tỉnh, 8 sông nội tỉnh, gần 15.000 ao, hồ, đầm lớn nhỏ. Chất lượng nguồn nước bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu trong tỉnh.
Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững, Bắc Ninh đã, đang và tiếp tục lộ trình bảo vệ tài nguyên nước nghiêm ngặt. Tỉnh ban hành Chương trình hành động nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao. Kiểm soát chặt tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ở một số dòng sông, đoạn sông. Chủ động thích nghi, ứng phó, đánh giá dự báo toàn diện tác động của biến đổi khí hậu và tác động của việc sử dụng nước ở thượng nguồn và lưu vực các sông liên tỉnh, để có phương án ứng phó kịp thời. Quy hoạch tài nguyên nước ở các địa phương trong tỉnh. Xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch quan trắc động thái nước dưới đất, nhằm đánh giá những biến động về trữ lượng, chất lượng nước dưới đất. Xây dựng hệ thống giám sát tự động ở lưu vực sông lớn để kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng và xả thải vào nguồn nước, nhằm cảnh báo kịp thời nguy cơ cạn kiện, ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân để họ hiểu được tầm quan trọng của tài nguyên nước. Huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ tài nguyên nước và gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý về tài nguyên nước cũng như trách nhiệm của các cấp chính quyền sở tại, góp phần bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Nguồn nước đang dần bị suy kiệt, bên cạnh việc tỉnh tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước, làm tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn thì mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhằm phát huy tối đa tác dụng của tài nguyên nước đối với sự phát triển của xã hội.

Hoài Anh