Bảo tàng lò gốm cổ Đương Xá

29/09/2022 20:59 Số lượt xem: 2912
Khu di chỉ khảo cổ học lò gốm Đương Xá thuộc xóm Soi Núi, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh) là một di tích khảo cổ vô cùng quý giá mà cha ông ta để lại, có ý nghĩa quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử vùng đất. Khu di chỉ nằm trên một dải đất cao tiếp giáp với thôn Quả Cảm, phường Hòa Long kề sát sông Ngũ Huyện Khê chảy ra sông Cầu. Đây là con đường thông thương thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm đi mọi nơi.

Di tích khảo cổ học lò gốm Đương Xá hầu như chưa phát huy được giá trị.


Trước kia, khu di chỉ này nằm trong khu vực khai thác đất làm gạch, vì vậy di tích lò gốm Đương Xá đã bị đào phá nghiêm trọng. Toàn bộ phần trên và khu vực ven sông đã bị đào bới làm xuất lộ một số vết tích lò nung và rất nhiều di vật gốm. Để kịp thời bảo vệ di tích, năm 1999-2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật dải đất cao dọc ven sông và phát hiện dấu tích 9 lò nung gốm cùng hàng ngàn di vật.
Những lò gốm cổ phát hiện ở Đương Xá có cấu trúc rất độc đáo, được làm theo kỹ thuật đào khoét vào lòng đất và dùng cọc tre, gỗ chống đỡ tường và vòm lò. Người xưa dùng đất ướt để đắp một lớp lót mỏng phía bên trong. Nhiên liệu dùng cho việc nung gốm là gỗ và tre, nứa mà không phải là than đá. Đó là nhiên liệu lấy tại chỗ, vừa thuận tiện, vừa rẻ tiền phù hợp với tính chất tự cung tự cấp của thợ thủ công xưa.
Các lò đều có dạng lò cóc, cùng cấu trúc và kích thước khá tương đồng, gồm 3 phần: Thân lò ngắn, đuôi lò gần vuông, cửa lò quay ra sông và có hệ thống ống khói. Ống khói được tạo liền với vòm lò và nhô cao lên khỏi mặt đất. Chiều dài của mỗi lò từ 4,6m -5m, chỗ rộng nhất từ 2,5m - 3m, cao khoảng 1m, cửa lò rộng 1,4m.
Niên đại của các lò gốm cổ Đương Xá được xác định từ cuối thế kỷ 9 và hoạt động kéo dài trong suốt thế kỷ 10. Với khung niên đại này, di chỉ lò gốm Đương Xá được giới nghiên cứu đánh giá là phát hiện hết sức quan trọng, góp phần soi rọi lịch sử sản xuất gốm thời Đinh-Lê, vốn rất ít tư liệu. Hơn nữa, qua quá trình khai quật khảo cổ học cho thấy sản phẩm lò gốm Đương Xá rất phong phú, hầu hết là đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Sản phẩm chính là đồ sành, đồ gốm men cũng được sản xuất nhưng không nhiều bằng đồ sành.
Với đôi tay khéo léo, đức tính kiên nhẫn và sáng tạo của người thợ xưa, chỉ với đất, rơm, rạ, tre, gỗ đã tạo nên những sản phẩm gốm sành phục vụ cho nhu cầu đời sống của xã hội. Kho tư liệu này còn góp phần nghiên cứu tính chất sản phẩm, tổ chức sản xuất của các phường thợ thủ công xưa. Đây là một mặt rất quan trọng trong việc tìm hiểu văn hóa lịch sử, cũng như truyền thống lao động sản xuất của ông cha trong quá khứ. Năm 2008, Khu di chỉ lò gốm Đương Xá được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 12/08/2008.
Để bảo vệ di tích giàu ý nghĩa lịch sử này, Viện Khảo cổ học phối hợp cùng nhà khảo cổ học Nhật Bản, người sáng lập Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất ở Đông Nam Á- cố TS. Nishimura Masanri đã đề xuất Dự án xây dựng Bảo tàng lò gốm cổ Đương Xá ngay tại di tích. Dự án này nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn và chính quyền, nhân dân địa phương. Ngay sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ học, tháng 4-2000, Bảo tàng lò gốm cổ Đương Xá được khởi công xây dựng và hoàn thành vào tháng 12-2000 bằng nguồn kinh phí tài trợ của những người yêu di sản văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.
Từ khi khai quật đến nay, khu di tích lò gốm cổ Đương Xá được chính quyền và cộng đồng nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, bảo vệ. Nhà Bảo tàng trưng bày lò gốm Đương Xá hiện tọa lạc trên diện tích 1947 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa có tường bao bảo vệ, mặt hướng ra sông, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Năm 2014, Ban quản lý di tích địa phương được thành lập theo Quyết định số 242/2014//QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Di tích có người dân gần đó trông coi bảo vệ.
Là nơi lưu giữ dấu tích nghề nung gốm cổ có niên đại cách ngày nay hơn một ngàn năm, Bảo tàng lò gốm cổ Đương Xá không chỉ khơi gợi niềm tự hào về một quá khứ rực rỡ của nghề làm gốm cổ truyền của cha ông, mà còn góp phần tìm hiểu tài năng sáng tạo của người thợ thủ công xưa kia, cũng như hoạt động tổ chức sản xuất nghề gốm vùng Kinh Bắc trong dòng chảy lịch sử của gốm sứ cổ Việt Nam. Tuy nhiên việc quy hoạch cải tạo khuôn viên khu nhà Bảo tàng lò gốm Đương Xá chưa được chú trọng đầu tư, hiện vẫn chưa có tường bao bảo vệ để tránh sự xâm lấn đất đai. Di tích hoang sơ, gần như không phát huy được giá trị. Công tác tuyên truyền quảng bá di tích không thường xuyên.
Bà Phạm Thị Liên, người dân trông nom khu di chỉ lò gốm Đương Xá cho biết: Những năm trước, thỉnh thoảng có một số du khách nước ngoài, cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên... đến tham quan, tìm hiểu nghiên cứu, nhưng vài năm gần đây hầu như rất hiếm khách đến. Nhà tôi ngay sát di tích nên được giao trông nom, thỉnh thoảng sang quét sân, dọn cỏ... Tôi nghe nói, các cấp ngành cũng đề xuất hỗ trợ thù lao trông nom, bảo quản nhưng đến nay vẫn chưa thấy có gì.

V.Thanh