Báo động tình trạng xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc do uống rượu

02/07/2018 08:16 Số lượt xem: 1461
Say rượu, bia khiến cơ thể mệt mỏi, nôn ói, thậm chí nôn ra máu phải nhập viện là những hậu quả tai hại mà rượu, bia để lại. Rất nhiều trường hợp mặc dù đã phải nhập viện điều trị hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn không hạn chế được rượu bia. Đó là thực tế đáng báo động đã và đang diễn ra hiện nay.

Có đến 40-50% bệnh nhân điều trị tại khoa Nội tiêu hóa - Thần kinh - Các bệnh máu, BVĐK tỉnh có liên quan đến rượu.

 

Ông Nguyễn Văn M. (59 tuổi) ở phường Đồng Kỵ (Từ Sơn) nghiện rượu đã nhiều năm. Ở nhà ông đã bị nôn ra rất nhiều máu đen lẫn máu đỏ. Sau khi nhập viện cấp cứu và chỉ định nội soi tiêu hóa, các bác sĩ thấy trong dạ dày của ông có rất nhiều máu. Nguyên nhân là do uống quá nhiều rượu, nôn nhiều gây rách tâm vị và chảy máu, máu không chỉ cùng với thức ăn nôn ra ngoài mà còn chảy tràn xuống cả dạ dày. Bác sĩ Nguyễn Anh Tân, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Thần kinh - Các bệnh máu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: Đây là một trường hợp điển hình của hội chứng Mallory-Weiss, đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết thứ phát đường tiêu hóa trên do vết rách dọc niêm mạc ở đường từ thực quản vào dạ dày hoặc ở tâm vị. Hội chứng Mallory-Weiss có thể xảy ra sau bất kì sự gia tăng đột ngột áp lực trong dạ dày hoặc sa dạ dày vào thực quản. Ở trường hợp bệnh nhân trên, việc nôn khan và nôn quá nhiều lần do uống rượu khiến tâm vị bị rách gây chảy máu nặng. Rất may mắn là vị trí chảy máu của bệnh nhân đã tự liền, ở dạ dày khi nội soi chỉ còn thấy máu đọng chứ không còn tiếp tục chảy. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy, nếu vết rách không tự liền, tình trạng chảy máu kéo dài có thể nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân. 

Cũng là người đã nghiện rượu lâu năm, thậm chí có tới 3 lần phải nhập viện cấp cứu vì nôn ra máu sau uống rượu. Lần này cũng vậy, ông Nguyễn Đức M. (40 tuổi) ở xã Phượng Mao, huyện Quế Võ uống trung bình 500ml/ngày, ở nhà ông đã nôn ra khoảng nửa chậu máu lẫn với thức ăn, vào viện tiếp tục nôn ra khoảng 500ml máu tươi. Ông được nội soi cấp cứu và phát hiện có giãn tĩnh mạch thực quản độ 3, có điểm chảy máu đang phun thành tia. Với trường hợp này, các bác sĩ phải tiến hành can thiệp thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su tại điểm chảy máu ngay trong quá trình nội soi. Sau thắt tĩnh mạch thực quản, kiểm tra không thấy chảy máu nữa và bệnh nhân tiếp tục được chuyển về khoa điều trị.

Lí giải về trường hợp nôn ra nhiều máu sau uống rượu này, bác sĩ Tân cho biết, uống rượu nhiều gây ra tình trạng xơ gan do rượu. Rượu tác động trực tiếp vào gan gây tổn thương tế bào gan, dẫn đến xơ hóa. Khi mắc bệnh này, nếu việc chữa trị không tốt sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, và một trong những biến chứng tiêu biểu là giãn tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân bị xơ gan nếu tiếp tục uống rượu kéo dài sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch thực quản và đến một thời điểm nào đó gây vỡ và xảy ra tình trạng nôn ra máu. Nếu trường hợp bệnh nhân đến muộn, không được điều trị, can thiệp kịp thời thì việc mất nhiều máu quá sẽ gây trụy mạch, gây sốc và tử vong cao.

Xuất huyết tiêu hóa là sự chảy máu có nguồn gốc từ đường tiêu hóa ra ngoài qua đường miệng (nôn ra máu) hoặc hậu môn (đại tiện ra máu). Có nhiều nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa, trong đó rượu là nguyên nhân chủ quan mà hoàn toàn có thể phòng tránh được. Chảy máu có thể gặp ở bất kì vị trí nào của ống tiêu hóa, từ miệng tới thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn. Không những thế, uống rượu còn ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh. Việc bệnh nhân bị loạn thần do rượu rất thường gặp, nhẹ thì có thể là không tỉnh táo, nói nhảm, nặng hơn nữa là họ gần như mất ý thức hoàn toàn, có thể đập phá, đi lại lung tung, chửi bới… Và với những trường hợp đó thì chúng tôi phải trói bệnh nhân lại, cố định tại giường để có thể điều trị hiệu quả.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về lượng bệnh nhân nhập viện điều trị do uống rượu nhưng tại khoa Nội tiêu hóa - Thần kinh - Các bệnh máu, BVĐK tỉnh, ước tính có đến 40-50% tổng số bệnh nhân nằm điều trị có liên quan đến rượu. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 3-5 bệnh nhân và cao điểm trong những đợt nghỉ lễ, Tết lên đến 7-10 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do rượu.

Cũng liên quan đến nghiện rượu, cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, khoa Hồi sức tích cực của BVĐK tỉnh cũng tiếp nhận cấp cứu thành công cho bệnh nhân Cát Trọng N. ở TP Bắc Ninh bị toan chuyển hóa nặng, suy thận do uống nhầm khoảng 200ml cồn công nghiệp thay vì rượu uống hàng ngày. Với trường hợp bệnh nhân này, nếu không được cấp cứu kịp thời và lọc máu liên tục thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao bởi tình trạng toan chuyển hóa nặng, chất độc trong cồn công nghiệp đã ngấm vào máu và ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Ngộ độc rượu có thể do uống quá nhiều rượu, uống phải rượu kém chất lượng và thậm chí uống nhầm rượu thành cồn công nghiệp như bệnh nhân trên đây.

Điều đáng ngại là hiện nay, tỉ lệ người Việt Nam nhiễm viêm gan B, viêm gan C khá cao, khi uống rượu vào càng khiến cho gan bị quá tải dẫn đến xơ gan và xảy ra các biến chứng. Mặc dù đã có rất nhiều hệ lụy do việc uống rượu gây ra nhưng phần lớn mọi người vẫn chưa có ý thức trong việc hạn chế rượu bia. Có những trường hợp đã vào viện cấp cứu tới 5-7 lần sau uống rượu, đã nhận được lời khuyên răn từ cả người nhà và các y, bác sĩ nhưng vẫn tiếp tục uống rượu.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống rượu, bia với lượng vừa phải không những không có hại mà còn có lợi cho sức khỏe. Nhưng việc uống rượu vô tội vạ, uống rượu không rõ nguồn gốc là thói quen nhất thiết cần phải từ bỏ để hạn chế tối đa những hệ lụy không mong muốn mà rượu để lại.

Nguyễn Oanh