Bao giờ hết nỗi lo mất an toàn thực phẩm?

21/05/2018 09:06 Số lượt xem: 1348
Cho đến nay, câu chuyện an toàn thực phẩm (ATTP) chưa bao giờ bớt “nóng” bởi nỗi lo ngộ độc luôn “lơ lửng” ở mỗi bữa ăn gia đình, trong mỗi bếp ăn tập thể, qua từng quán ăn đường phố. Mặc dù không còn tình trạng “một bát canh 3 Bộ quản lý” do sự chồng chéo trong phân công, phân cấp như nhiều năm về trước song làm thế nào để nguy cơ mất ATTP không còn là nỗi lo thường trực của mỗi người nội trợ và các cơ quan chức năng thì hẳn còn rất nhiều việc phải làm và phải làm một cách quyết liệt.

Hình ảnh thường gặp ở các chợ truyền thống.

 

Rình rập nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Không phải ngẫu nhiên những ngày khởi động cho một mùa hè hằng năm lại được chọn là “Tháng Hành động vì ATTP”. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức, cộng với thói quen ăn uống còn nhiều dễ dãi của người dân là yếu tố nguy cơ cao gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo thông tin từ Ban Quản lý ATTP tỉnh, trong năm 2017 toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào, tuy nhiên, trong 5 năm từ 2012 đến 2016, xảy ra tổng số 34 vụ ngộ độc thực phẩm lớn, nhỏ; trong đó 14 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể (BATT), 19 vụ tại bữa cỗ gia đình và 1 vụ tại nhà hàng ăn uống với tổng số 26.668 người ăn, 1.571 người mắc, 879 người đi viện, 1 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân trong năm 2012 (bệnh nhân có uống rượu pha cà phê). Như vậy, các vụ ngộ độc lẻ tẻ hoặc tiêu chảy do sử dụng thức ăn đường phố, trong các bữa ăn gia đình kém chất lượng, mất ATTP không được các cơ sở y tế ghi nhận song chắc chắn đây cũng là mối nguy không nhỏ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm hàng ngày.

ATTP luôn là vấn đề cần được bảo đảm, cho dù đó là BATT có hàng nghìn người hay trong bữa ăn mỗi gia đình, mỗi đám cỗ. Trong số 34 vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận nói trên thì có tới 19 vụ xảy ra tại bữa cỗ gia đình. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm chủ yếu do tác nhân vi sinh vật, có nghĩa rằng trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm còn nhiều bất cập do hầu hết đám cỗ gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn, những người tham gia nấu, phục vụ bữa cỗ hầu hết đều thực hành theo thói quen, kinh nghiệm mà không qua lớp tập huấn kiến thức về ATTP nào.

Tại các đô thị, dịch vụ nấu cỗ thuê khá phổ biến song hầu hết là tự phát nên cũng tồn tại nhiều bất cập. Bà Tới, một người chuyên nhận nấu cỗ thuê ở thành phố Bắc Ninh khi được hỏi “Có đi khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về ATTP không?” cho biết “Khi nhận nấu thuê cho một đám cưới, mấy chị em chúng tôi mới tập hợp lại. Có loại hình trả công nấu theo mâm hoặc chúng tôi tính tiền trọn gói theo mâm tùy theo yêu cầu của chủ đám. Mà chúng tôi khỏe mạnh thế này, cần gì phải khám sức khỏe? Còn kiến thức ATTP à? Nhà mình nấu thế nào thì mình nấu cỗ như thế. Nấu không ngon thì ai người ta đặt nữa, nên phải giữ uy tín”. Như vậy, do hoạt động tự phát, kiến thức về ATTP của những người nấu cỗ thuê thường không đồng đều và việc thực hành chế biến chủ yếu theo kinh nghiệm.

Còn nhớ, cách đây gần 2 năm, vụ việc phụ huynh phản ánh về việc Trường Mầm non thị trấn Lim 2 (Tiên Du) cho trẻ ăn cơm chưa chín kỹ và bánh kem trên vỏ hộp không có nhãn mác, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng đã mang theo một câu hỏi về vấn đề giám sát mối nguy ở các bếp ăn. Mặc dù theo đánh giá của cơ quan chức năng, bếp ăn tập thể của Trường Mầm non thị trấn Lim 2 về cơ bản đáp ứng được theo quy định (về diện tích, kết cấu bếp ăn, trang thiết bị, dụng cụ), song tại thời điểm xảy ra sự việc còn tồn tại các vấn đề gây lo lắng, ảnh hưởng đến lòng tin của phụ huynh như: Nguồn cung ứng thực phẩm, công tác kiểm tra, giám sát thực hành chế biến thực phẩm, công tác giám sát cơ sở cung ứng thực phẩm... Đây không chỉ là những vấn đề của riêng các phụ huynh Trường Mầm non Thị trấn Lim băn khoăn mà còn là vấn đề đặt ra đối với tất cả các BATT dù lớn hay nhỏ.

Đã kiểm tra là ra… sai phạm

Trong Tháng Hành động vì ATTP, chúng tôi cùng đoàn thanh tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại một số địa phương trong tỉnh. Ngay trong ngày đầu ra quân tại KCN Quế Võ, Đoàn trực tiếp kiểm tra 3 BATT của Công ty TNHH Tenma Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao cung cấp; Công ty TNHH Bujeon Việt Nam do Công ty TNHH Welstory Việt Nam cung cấp; Công ty TNHH Ha Noi Doosung Tech do Công ty TNHH Life Bridge Việt Nam cung cấp.

Đối với 2 bếp ăn tập thể Công ty TNHH Tenma Việt Nam và Công ty TNHH Bujeon Việt Nam, do đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện tốt các quy định về bảo đảm ATTP, đoàn đề nghị cơ sở tăng cường vệ sinh hơn để bảo đảm ATVSTP tốt hơn. Chị Lê Hồng Vân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao - nhà cung cấp suất ăn chuyên nghiệp cho BATT Công ty TNHH Tenma cho biết: “Ba Sao hiện cung cấp khoảng 30 nghìn suất ăn cho các công ty, nhà máy, bệnh viện của tỉnh Bắc Ninh. Đối với mỗi nhà máy, thực đơn và dinh dưỡng được cung cấp khác nhau do hợp đồng với đối tác song việc thực hành tại các bếp ăn đều phải đạt quy chuẩn. Theo đó, để triển khai hệ thống ISO, chúng tôi phải bảo đảm các bộ phận đều được đào tạo bài bản, trong quá trình vận hành tiếp tục đào tạo theo chuyên đề riêng. Các BATT do chúng tôi cung cấp suất ăn đều phải bảo đảm 3 yêu cầu: Thực hiện đúng các quy định chung của pháp luật, nội quy riêng của nhà máy và của công ty cung cấp suất ăn”.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp suất ăn công nghiệp nào cũng có sự chuyên nghiệp như Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao. Tại BATT Công ty TNHH Ha Noi Doosung Tech do Công ty TNHH Life Bridge Việt Nam cung cấp, nhà thầu cơ bản đầy đủ các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế khu vực chế biến, Đoàn thanh tra phát hiện một số tồn tại: Bếp ăn không thực hiện theo nguyên tắc 1 chiều, không ghi chép đầy đủ sổ sách về việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định.

Kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Anh Mỹ (Bất Lự, Hoàn Sơn, Tiên Du), cơ sở xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý song ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định của Bộ Y tế không đầy đủ. Chị Trần Thị Kim Anh, chủ cơ sở cho biết bản thân tham gia vào lĩnh vực cung ứng suất ăn công nghiệp 10 năm nay, hiện mỗi ngày cung cấp 900 suất ăn cho Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tại Bắc Ninh và 2 công ty nhỏ khác, mỗi công ty chỉ khoảng 100 suất. “Riêng đối tác truyền thống là Acecook thì mỗi tuần 2 lần, họ kiểm tra đột xuất nên trong quá trình chế biến, chúng tôi luôn cẩn thận, giữ vệ sinh sạch sẽ. Về phần lỗi đã được Đoàn thanh tra nhắc nhở, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn” - Chị Kim Anh chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có hàng nghìn BATT lớn, nhỏ. Quy mô BATT lớn nhất lên đến vài chục nghìn suất ăn/ ngày, các BATT quy mô nhỏ hơn cũng vài nghìn suất ăn/ngày. Với số lượng cơ sở dịch vụ ăn uống quá lớn như vậy, trách nhiệm quản lý cụ thể, chi tiết tới từng cơ sở sẽ là “quá tải” và “bất khả thi” đối với ngành chức năng nếu bản thân chủ cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp ý thức, không có trách nhiệm, đạo đức với sức khỏe cộng đồng trong kinh doanh thực phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường thị sát mô hình Chợ ATTP tại Chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới cuối năm 2017.

 

Thực phẩm cần được kiểm soát từ gốc

Cũng trong Tháng Hành động vì ATTP, qua thanh tra đột xuất một số hộ kinh doanh giò chả và thịt tươi sống tại khu vực chợ Nội Doi (Đại Xuân, Quế Võ), Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP tỉnh khẳng định điều kiện cơ sở vật chất kinh doanh tại các cơ sở này chưa bảo đảm ATTP; hệ thống phòng chống côn trùng, hệ thống cống rãnh chưa hợp vệ sinh, thực phẩm sống còn để lẫn với thực phẩm chín… Qua test nhanh mẫu cho thấy các sản phẩm được bày bán có chớm nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh thịt đông lạnh, tươi sống của bà Nguyễn Thị Liệu còn chưa xuất trình được giấy phép kinh doanh mặt hàng mình đang bán cùng các hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Đoàn yêu cầu cơ sở tạm ngừng kinh doanh đến khi cơ sở khắc phục, hoàn thiện các điều kiện bảo đảm ATTP và giao cho tuyến huyện, xã tiếp tục giám sát.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh, Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành số 2 trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2018  cho rằng chế tài xử lý, xử phạt trong thanh, kiểm tra ATTP đã đủ sức răn đe, cảnh cáo với các cơ sở vi phạm. Điển hình là một số cơ sở có lỗi vi phạm đã bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp “cứng rắn”, kiên quyết xử lý với vi phạm, cũng cần thực hiện song song các biện pháp “mềm”, đó là việc hướng dẫn, tuyên truyền để các cơ sở có ý thức tốt hơn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thêm vào đó, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương gần, sát cơ sở nhất, mỗi người dân hoàn toàn có thể trở thành một “giám sát viên”, sẵn sàng tố giác khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, quy định về ATTP. Có như vậy, “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn mới hiệu quả.

Trên thực tế, tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP tại các chợ truyền thống là phổ biến do việc kiểm soát từ gốc, từ “đầu vào” các nguồn thực phẩm này vẫn bỏ ngỏ và gần như là “bất khả thi”. Hầu hết các hộ, cá nhân kinh doanh quầy hàng tại các chợ truyền thống đều nhỏ lẻ, thực phẩm được mua lại từ các “mối” quen trên tinh thần “tin nhau là chính” do vậy hầu hết các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ đều chưa được tập huấn kiến thức về ATTP và cho biết hoàn toàn xa lạ với khái niệm “truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”. Ngay tại Chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới (Quế Võ), nơi được thực hiện mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP với gần 400 hộ kinh doanh thực phẩm cũng mới cơ bản dừng lại ở việc trang bị bàn quầy, tủ kính theo quy cách, quy định thống nhất của Ban Quản lý Chợ, chỉ có một số hộ cố định xây dựng được nguồn cung và bước đầu hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ thực phẩm an toàn.  

Trong khi đó, việc nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, các cơ sở đa phần là thủ công, mang tính hộ gia đình, cá thể với điều kiện sản xuất còn hạn chế; chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm, theo chuỗi liên kết và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, ATTP. Do đó, các thực phẩm tiêu dùng hằng ngày như rau, thịt, cá… khi đến với người tiêu dùng vẫn luôn mang theo mối lo thường trực mất an toàn.

Thực phẩm bẩn, không an toàn với nhiều chất có hại không chỉ gây ngộ độc cấp tính khi ăn mà còn gây ngộ độc mạn tính nếu lượng chất có hại được hấp thụ thường xuyên. Khi sử dụng nhiều hoặc trong thời gian dài, những chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn tới các tổn thương, gây bệnh tật hoặc ung thư. Sử dụng thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều thế hệ, đồng thời tạo gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, xã hội, áp lực cho ngành Y tế. Bởi vậy, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về ATTP, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng thêm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy trình khép kín, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản. Từng bước đẩy lùi thói quen sử dụng thực phẩm theo cảm tính, kinh nghiệm và niềm tin mơ hồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Hướng người dân hình thành nếp tiêu dùng an toàn, văn minh theo căn cứ khoa học nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng...

 

V.H