Bắc Ninh xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, góp phần giảm thiểu TNGT

21/01/2020 07:58 Số lượt xem: 2255
Vi phạm về nồng độ cồn chính là nguyên nhân gây ra khoảng 40% số vụ TNGT, vào dịp cao điểm lễ, Tết, tỷ lệ này có thể lên đến 80%. Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm ngăn ngừa, kéo giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại TL 287 (khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn).

 


Tại Bắc Ninh, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng chức năng toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bước đầu đạt được kết quả khả quan, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Sau gần 1 tháng triển khai Nghị định 100, đến nay người dân cơ bản đồng thuận và chấp hành tương đối nghiêm quy định. Có được kết quả kể trên, theo thiếu tá Nguyễn Tuấn Hải, đội trưởng Đội Tuyên truyền phòng CSGT Công an tỉnh là do ngay từ khi Nghị định 100 được ban hành, lãnh đạo lực lượng CSGT đã chủ động hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ nắm bắt, quán triệt đầy đủ các nội dung của Nghị định, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới người dân bằng nhiều hình thức. Cùng với đó lực lượng CSGT toàn tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, mở những đợt chuyên đề về nồng độ cồn, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên TL 287 (khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn) ngày 9-1, trong vòng hơn 1 tiếng lập chốt, tổ công tác của Phòng CSGT tỉnh (do Đại úy Nguyễn Văn Hà làm đội trưởng) phối hợp với CSGT Công an thị xã Từ Sơn tiến hành dừng phương tiện và đo nồng độ cồn 23 người điều khiển phương tiện các loại, phát hiện 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 
Cụ thể vào lúc 12 giờ 59 phút, khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn ông Vũ Văn T (sinh năm 1956, khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn), điều khiển xe mô tô BKS: 99H- 2203, CSGT phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở. Với lỗi vi phạm này, tổ công tác tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện 7 ngày, phạt tiền 4 triệu đồng. Khi được hỏi vì sao lại cố tình vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, ông T cho hay: “Hôm nay nhà làm giỗ bố nên tôi có uống vài chén rượu. Xong việc thì vội chạy xe về khóa cửa cho con gái. Vì nghĩ nhà gần nên tôi cũng chủ quan không cầm theo giấy tờ, không đội mũ bảo hiểm. Giờ bị phạt thế này đúng là bài học đắt giá cho bản thân tôi”.
Đến 13 giờ 8 phút, tổ công tác tiến hành dừng xe mô tô BKS: 99S2-5486 do anh Nguyễn Văn V (sinh năm 1988, tại Cẩm Giang, Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn). Tuy nhiên, lấy lý do đau bụng nên anh V cố tình không thổi vào máy đo nồng độ cồn theo yêu cầu của cán bộ tổ công tác. Phải sau một hồi được cán bộ CSGT giải thích, thuyết phục, anh V mới chịu hợp tác. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện anh V có nồng độ cồn lên đến 1,078mg/1 lít khí thở. Ngoài vi phạm quy định về nồng độ cồn, anh V còn vi phạm một số lỗi, như xe mô tô không có gương chiếu hậu bên trái, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi trên, tổ công tác tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe, xử phạt 7 triệu đồng. 
Cả hai trường hợp vi phạm trên đều được tổ công tác giải thích đầy đủ, rõ ràng về lỗi vi phạm, mức xử phạt, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các quy định về trật tự ATGT nói chung, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nói riêng chính là bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những mức phạt nặng này đang có tác động lớn tới không chỉ ý thức mà còn là hành vi của người tham gia giao thông và cả thói quen sử dụng rượu bia trong cuộc sống thường ngày của người dân. Tuy nhiên, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thực sự có hiệu quả thì vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân. Trước hết, phải tuyên truyền mạnh mẽ các quy định của Luật đến với tất cả người dân, để việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông trở thành thói quen trong mỗi người, nhất là trong dịp lễ, Tết. Đặc biệt, lực lượng CSGT cần mở nhiều đợt chuyên đề về kiểm soát người lái xe sử dụng rượu bia trên toàn tỉnh. Việc này phải làm mạnh, liên tục để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó, người tham gia giao thông mới bỏ dần tư tưởng “nhờn” Luật để có ý thức hơn trong việc “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
 

 

Nguyên Đức