Bắc Ninh sau 5 năm Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT

08/12/2019 19:14 Số lượt xem: 3491
Thực hiện NQ số 29/TW tháng 11 năm 2013 của BCH TW Đảng, tháng 6-2014, Tỉnh ủy đã ban hành NQ số 12-NQ/TU về việc “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Bắc Ninh đến 2020, định hướng đến 2030”. Sau hơn 5 năm thực hiện NQ 12 của Tỉnh ủy, bức tranh GD-ĐT Bắc Ninh đã có những thay đổi căn bản và tích cực, tất nhiên cũng phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

5 năm, tăng hơn 64 nghìn học sinh các cấp
Có thể thấy, giai đoạn 2014-2019, do tốc độ phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ theo hướng CNH, HĐH, Bắc Ninh đã thu hút số lượng lớn cư dân ngoại tỉnh và ngoại quốc đến sinh sống và làm việc. Dân số cơ học tăng nhanh, lại phần lớn trong độ tuổi sinh đẻ, đã kéo theo số học sinh các cấp tăng nhanh, nhất là khối Mầm non và Tiểu học. 
Số liệu của ngành Giáo dục cho thấy, trong 5 năm từ 2014-2019, toàn tỉnh tăng hơn 64 nghìn học sinh các cấp, tương đương với … 100 trường học trung bình. Tăng cao nhất là học sinh khối Tiểu học với 27 nghìn em, tiếp đến là khối Mầm non với hơn 25 nghìn trẻ… Trong khi đó, từ năm 2014-2019, toàn tỉnh chỉ có thêm 22 trường mới thành lập (10 trường công lập, 12 trường tư thục. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 498 trường từ Mầm non đến THPT với 338 nghìn học sinh.

 

Áp lực quá tải là một trong những thách thức của ngành GD-ĐT Bắc Ninh.


Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nếu như năm học 2013-2014, toàn ngành có 15.334 biên chế thì đến hết năm học 2018-2019 cũng chỉ tăng thêm 1.861 người, lên tổng số 17.205 người trong biên chế.
Sở dĩ sau 5 năm, số học sinh các cấp tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất lượng học và đội ngũ cán bộ giáo viên lại tăng rất chậm bởi từ tháng 10-2017, BCH TW Đảng ban hành NQ số 19 Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Tinh thần chung của NQ 19 được hiểu khái quát như sau: Việc thành lập mới các đơn vị công lập là cực kỳ khó khăn; đến năm 2021, toàn quốc phải giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước…
Học sinh các cấp tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp tại rất nhiều trường học, nhất là khối các trường Mầm non và Tiểu học khu vực thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục của toàn ngành.
Tất nhiên, nhờ sự tham mưu tích cực của ngành GD-ĐT cùng sự quan tâm và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, trong khi chờ TW bổ sung biên chế, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh đã có Nghị quyết về việc khoán định mức giáo viên và nhân viên trong các trường Mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh. Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT Bắc Ninh được tỉnh giao khoán 3.097 định mức giáo viên và 1.863 nhân viên nấu ăn trong các trường Mầm non công lập. 
Nhờ sự tham mưu tích cực của Sở GD-ĐT, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị đồng ý cho bổ sung hơn 1.800 biên chế sự nghiệp Giáo dục (tháng 6-2019). Dự kiến đầu năm 2020, UBND tỉnh sẽ tổ chức tuyển dụng tập trung, khách quan và công bằng số chỉ tiêu được phân bổ; số lượng giáo viên được tuyển mới có thể thích ứng ngay với công việc giảng dạy từ học kỳ 2 năm học 2019-2020.
Về lâu dài, để tạo điều kiện cho ngành GD-ĐT phát triển toàn diện và bền vững, trong điều kiện bộ máy công lập và chỉ tiêu biên chế tiếp tục được siết chặt, tháng 7-2018, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành NQ số 119 Thông qua chủ trương hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non và phổ thông ngoài công lập giai đoạn 2018-2025. 
NQ 119 của HĐND tỉnh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, cùng giúp tỉnh tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư công mà vẫn bảo đảm cho con em nhân dân được thụ hưởng các điều kiện về GD-ĐT. Đây cũng là xu thế tất yếu của thời đại.
Vẫn là điểm sáng về phát triển giáo dục
Sau 5 năm thực hiện NQ số 12 của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, mặc dù gặp không ít khó khăn, rõ nhất là áp lực quá tải học sinh tại nhiều cơ sở giáo dục, tuy nhiên với truyền thống hiếu học, sự nỗ lực của ngành đặc biệt là sự quan tâm cùng quyết tâm của tỉnh, Giáo dục Bắc Ninh vẫn là điểm sáng tiêu biểu toàn quốc. Đó là phổ cập giáo dục các bậc học, các mức độ; kiên cố trường học và xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp; trình độ, năng lực và tính đồng bộ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; xã hội hóa giáo dục; cơ chế đặc thù cho giáo viên, học sinh…
Về đội ngũ, do thiếu hụt về số lượng, ngành GD-ĐT rất quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra. Cụ thể, vào năm học 2019-2020, toàn ngành có 17.205 cán bộ quản lý, giáo viên từ Mầm non đến THPT, Trung tâm GDTX (tăng 1.861 biên chế so với năm học 2013-2014). Đáng nói là, từ nhiều năm nay, 100% giáo viên các cấp của tỉnh đều đạt chuẩn trong đó tỷ lệ trên chuẩn rất cao, chiếm tới 85,3% (tăng hơn 10% so với năm học 2013-2014). Toàn ngành hiện có 1.289 Thạc sỹ, 10 Tiến sĩ và 8 Nghiên cứu sinh (tăng 473 Thạc sĩ và 5 Tiến sĩ so với năm học 2013-2014).
Về mạng lưới trường học, do khó khăn trong việc thành lập mới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải ưu tiên quỹ đất quy hoạch hệ thống trường học phù hợp theo hướng chuẩn, hiện đại hóa và có giá trị sử dụng lâu dài. Vào năm học 2019-2020, tỷ lệ phòng học kiên cố của tỉnh đạt 99%, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia đạt 98%. UBND tỉnh yêu cầu ngành GD-ĐT đến tháng 6-2020 phải về đích ở cả 2 mục tiêu 100% phòng học kiên cố và 100% trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. Đây được xem là đích mới của ngành giáo dục Bắc Ninh, sẵn sàng cho chương trình thay SGK mới, được Bộ GD-ĐT áp dụng từ năm học 2020-2021. Trong 5 năm, từ 2014-2019, tỉnh đã đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng mua sắm thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Với các điều kiện thuận lợi căn bản như trên, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh ngày càng ổn định theo hướng thực chất; chất lượng giáo dục mũi nhọn thể hiện qua các cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế, thi KHKT toàn quốc, thi THPT Quốc gia ngày càng được nâng cao. Năm học 2018-2019, tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, đội tuyển tỉnh có tới 59/70 thí sinh thi đạt giải gồm 3 Nhất, 23 Nhì, 18 Ba, 15 Khuyến khích. Đây được xem là kết quả tốt nhất kể từ khi tái lập tỉnh trên cả 3 phương diện số lượng thí sinh đạt giải, chất lượng giải và số giải Nhất Quốc gia. Tại kỳ thi THPT Quốc gia, toàn tỉnh có trên 95% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong đó điểm bình quân các môn thi Đại học khối A là (Toán, Lý, Hóa) đều vinh dự xếp trong tốp đầu toàn quốc. Tóm lại nói đến Bắc Ninh vẫn là nói đến một vùng đất học tiêu biểu.
Theo lộ trình đến năm 2022, tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW, sự nghiệp GD-ĐT vì thế càng phải được quan tâm phát triển toàn diện góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới của quê hương đất nước. Muốn vậy, ngành GD-ĐT buộc phải tiếp tục thực hiện tốt NQ số 12 của Tỉnh ủy Về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, trước mắt theo lộ trình đến 2025 với các chỉ tiêu cùng mục tiêu phấn đấu dài hơi. Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho ngành GD-ĐT phát triển toàn diện và bền vững, vì vậy lãnh đạo ngành GD-ĐT cũng phải có tầm nhìn để tham mưu với giúp tỉnh có những quyết sách đúng đắn phù hợp liên quan đến sự phát triển của ngành, cũng là đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. 

Trọng Khánh