Bắc Ninh đề cao vai trò, trách nhiệm của điều tra viên trong tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

20/02/2019 08:26 Số lượt xem: 2464
Chất lượng của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phụ thuộc rất nhiều vào công tác điều tra ghi phiếu tại các địa bàn, mà các điều tra viên chính là những người sẽ thực hiện công việc đó. Vì thế, khâu tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng luôn là khâu quan trọng nhất, quyết định đến kết quả của cuộc Tổng điều tra thống kê nói chung và Tổng điều tra dân số và nhà ở nói riêng.

Điều tra viên (ĐTV) trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là người trực tiếp đến từng hộ, gặp chủ hộ (hoặc người đại diện của hộ) để trực tiếp phỏng vấn và ghi phiếu về các nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ, tình hình dân cư trong 5 năm gần nhất; trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng hôn nhân; đồng thời thu thập thông tin về loại nhà ở của hộ, diện tích nhà ở và năm đưa vào sử dụng của ngôi nhà. Ngoài ra, địa bàn điều tra mẫu chuyên sâu còn điều tra thêm về khuyết tật của dân cư; thực trạng việc làm và thất nghiệp trong dân cư; lịch sử sinh đẻ của phụ nữ từ 10 đến 49 tuổi; nhiên liệu, năng lượng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nguồn nước ăn chính, các trang thiết bị đồ dùng của hộ; các trường hợp chết và nguyên nhân chết của các thành viên hộ dân cư trong khoảng thời gian từ ngày 1 Tết âm lịch Mậu Tuất (tức từ ngày 16-2-2018 dương lịch đến ngày 31-3-2019) của các hộ thuộc phạm vi ranh giới địa bàn mình phụ trách.
Đội ngũ cán bộ điều tra mà trước hết là ĐTV là người trực tiếp quyết định mức độ chính xác của từng câu trả lời ghi trong phiếu điều tra. Để làm tốt nhiệm vụ đó, ĐTV phải tham dự tập huấn nghiệp vụ một cách đầy đủ, nghiêm túc các buổi tập huấn nghiệp vụ điều tra do Ban chỉ đạo cấp huyện tổ chức. Không bỏ bất cứ một buổi lên lớp nào (hướng dẫn nghiệp vụ, thảo luận và làm bài tập) cũng như đi thực tập tại địa bàn. Chú ý nghe giảng, nghiên cứu kỹ tài liệu, liên hệ với tình hình thực tế của địa phương để nắm vững phạm vi trách nhiệm của mình, cụ thể hoá các vấn đề nghiệp vụ và phương pháp điều tra, ghi và bảo quản phiếu; tiếp nhận đầy đủ các tài liệu, phương tiện điều tra từ tổ trưởng như: Sơ đồ nền, bảng kê hộ, sổ tay điều tra viên, cặp đựng tài liệu điều tra, bút bi, vở nháp, thẻ điều tra viên… kiểm tra danh sách các địa bàn điều tra và các hộ được phân công thu thập thông tin để thực hiện phiếu điều tra điện tử (CAPI), nhận bàn giao địa bàn điều tra (ĐBĐT) từ tổ trưởng điều tra cả trên giấy (sơ đồ, bảng kê) và trên thực địa. Kiểm tra, đối chiếu toàn bộ các ngôi nhà (kể cả có người ở và không có người ở) có trong địa bàn và bảng kê hộ. Phát hiện những ngôi nhà có người ở, những hộ và những nhân khẩu thực tế thường trú trong phạm vi địa bàn mình phụ trách bị bỏ sót hoặc mới chuyển đến để bổ sung, hiệu chỉnh bảng kê; lên lịch cụ thể cho ngày điều tra đầu tiên và những ngày tiếp theo nhằm tránh phải trở lại hộ nhiều lần. Phát hiện những hộ có thể đi vắng trong suốt thời gian điều tra để có kế hoạch điều tra phù hợp.
Trong giai đoạn điều tra cần nắm chắc và thực hiện đúng phương pháp thu thập thông tin là phỏng vấn trực tiếp; xác định đầy đủ số hộ thuộc địa bàn mình phụ trách. Việc phỏng vấn, ghi thông tin phải tuân thủ đúng những quy định về nghiệp vụ và quy trình phỏng vấn, bảo đảm không điều tra trùng hoặc bỏ sót một đối tượng điều tra (ĐTĐT) nào, cũng như không ghi thừa hay bỏ sót một mục nào trên phiếu. Điều tra theo đúng tiến độ quy định, ngày đầu điều tra không quá chậm, được đến đâu chắc đến đó. Các ngày sau tốc độ tăng dần để hoàn thành điều tra toàn bộ ĐTĐT của địa bàn vào ngày cuối cùng theo kế hoạch tức 25-4-2019.
Chống tư tưởng chủ quan, lướt nhanh, làm ẩu dẫn đến kết quả kém chính xác. Cuối mỗi ngày điều tra, kiểm tra lại các phiếu đã ghi, phát hiện các sai sót để sửa chữa kịp thời, nếu cần thiết phải quay lại hộ để xác minh và sửa chữa. Việc sửa chữa những sai sót phải theo đúng quy định. Báo cáo tiến độ và đẩy dữ liệu phiếu đã hoàn thành trong ngày lên vào cuối mỗi ngày để tổ trưởng kiểm tra chất lượng ghi phiếu. Xác minh những sai sót ghi trên phiếu mà tổ trưởng yêu cầu. Hợp tác với các ĐTV khác, phục tùng sự chỉ đạo của tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp.
Trong thời gian thực thi nhiệm vụ của mình, ĐTV phải chấp hành nghiêm chỉnh sự điều hành của tổ trưởng, những ý kiến đóng góp của giám sát viên các cấp. Có tinh thần tương trợ, giúp đỡ các ĐTV khác về nghiệp vụ cũng như về công việc. Giữ gìn và bảo mật các tài liệu điều tra khác an toàn, đồng thời không được tiết lộ các thông tin ghi trên phiếu cho người khác biết. Khi kết thúc điều tra cần soát xét trên bảng kê xem có còn hộ nào, người nào thuộc ĐTĐT của địa bàn mà chưa được điều tra ghi phiếu. Nếu có, phải tiến hành điều tra bổ sung;
Tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt tình sẵn có, với mong muốn được đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước và quê hương, các ĐTV của tỉnh Bắc Ninh sẽ vượt qua được khó khăn, thực hiện thành công của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 như yêu cầu trong Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 13-11-2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.

Khổng Văn Thắng