An toàn thoát nạn trong điều kiện cháy

09/07/2019 09:16 Số lượt xem: 1891
Trong đám cháy tiềm ẩn rất nhiều sự nguy hiểm: Sản phẩm cháy độc hại, nhiệt độ môi trường trong đám cháy, bức xạ nhiệt, mất tầm nhìn do đường và lối thoát nạn bị nhiễm khói, giảm ôxy trong phòng bị cháy, sụp đổ cấu kiện xây dựng và sự hoảng loạn...

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) được biết: “Việc nắm được những yếu tố nguy hiểm trong đám cháy có ý nghĩa rất quan trọng để tìm ra giải pháp thoát nạn cho người bị nạn mắc kẹt trong đám cháy, cũng như cho lực lượng chữa cháy tránh được các rủi ro, tai nạn khi tham gia chữa cháy”.
Yếu tố đầu tiên đặc biệt nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mạng của con người đó là sự tác động của khói. Trong thành phần của sản phẩm cháy có chứa từ 50 đến 100 loại hoá chất độc hại khác nhau. Vì vậy, khi mắc kẹt trong phòng có nhiều khói nên hạ thấp người xuống, bò để thoát ra ngoài. Đồng thời dùng khăn mặt (được tẩm ướt thì càng tốt) sử dụng để che, bảo vệ cơ quan hô hấp. Khi cháy, khói và khí độc sẽ có chiều hướng di chuyển lên trên nên khi bò sẽ có nhiều không khí sạch hơn để hô hấp và cũng giúp quan sát rõ hơn để tìm lối thoát nạn.
Một yếu tố khác gây nguy hiểm đối với con người là nồng độ ôxy trong môi trường khu vực xảy ra cháy thường thấp hơn nhiều lần so với không khí sạch. Nồng độ ôxy không đủ để hô hấp sẽ làm giảm đi rất nhiều khả năng chuyển động của con người và khả năng hấp thụ các sản phẩm độc hại của đám cháy tăng lên. Nếu nồng độ ôxy trong không khí thấp hơn 10% thể tích sẽ gây ngất và nếu giảm tới 6% sẽ gây co giật và nếu không kịp thời cấp cứu sẽ chết trong vòng vài phút.
Nhiệt độ cao ở đám cháy cũng là một trong những yếu tố gây nguy hiểm cho con người. Nhiệt độ của đám cháy trong phòng bị cháy có thể đạt 800oC đến 9000oC. Ở các phòng liền kề với phòng bị cháy cũng có nhiệt độ tương đối cao. Đặc biệt, còn nguy hiểm hơn khi ngọn lửa tác động trực tiếp lên da người, chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với lửa trong thời gian ngắn cũng có thể gây bỏng rất nặng. Khi thoát nạn, chúng ta có thể gặp một số tình huống nguy hiểm sau:
Mở cửa phòng để thoát nạn và bị lửa táp vào người. Trong trường hợp này, để bảo đảm an toàn cần dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt độ cửa trước khi mở. Sau khi kiểm tra xong, cảm thấy an toàn, từ từ mở hé cửa, lợi dụng cánh cửa làm tấm lá chắn để bảo vệ. Cúi thấp người xuống sát mặt đất, quan sát xem có đủ điều kiện an toàn để thoát nạn hay không.
Trong quá trình thoát nạn, đột nhiên có lửa tạt ra ngoài, cản trở đường thoát nạn. Trong trường hợp này, nếu không còn đường thoát nạn nào khác, nên lấy áo khoác hoặc chăn có tẩm ướt trùm vào người rồi băng qua chỗ có lửa tạt.
Trong quá trình thoát nạn, quần áo bị bắt lửa, tuyệt đối không được chạy tiếp, mà hãy dừng lại, lấy tay che các bộ phận trên mặt, nằm xuống đất, lăn qua, lăn lại để dập tắt lửa.
Để thoát nạn một cách an toàn trong đám cháy, cần phải thấy rõ các biển và tín hiệu chỉ dẫn lối, đường thoát nạn. Trong trường hợp không thể nhìn thấy biển, tín hiệu chỉ dẫn lối thoát nạn, nên đi theo men tường sẽ tìm thấy lối ra, hoặc trong trường hợp khi đi men theo tường có bị mắc kẹt lại trong đám cháy thì sẽ dễ dàng hơn cho lực lượng chữa cháy tìm kiếm người bị nạn.
Sụp đổ cấu kiện xây dựng là một trong những hiện tượng xảy ra ở đám cháy. Nó đe dọa lớn đến tính mạng của người kẹt lại trong đám cháy cũng như lực lượng chữa cháy đang dập tắt đám cháy trong tòa nhà. Cấu kiện xây dựng sụp đổ sẽ làm cản trở, thu hẹp, làm mất đường và lối thoát nạn.
Một yếu tố nguy hiểm cuối cùng ở đám cháy đối với con người cần phải kể đến đó là hiện tượng tâm lý hoảng loạn. Trong nhiều trường hợp ở đám cháy, khả năng quan sát của con người bị hạn chế do khói hoặc cấu kiện xây dựng sụp đổ che khuất tầm nhìn. Khi mất tầm nhìn, chuyển động có tổ chức của người sẽ bị phá hủy, sự rối loạn bắt đầu xuất hiện. Trong trạng thái hoảng loạn, con người sẽ mất khả năng định hướng và nhận định tình hình, họ sẽ chuyển động hỗn loạn, đôi khi xô đẩy, dẫm đạp lên nhau gây tai nạn và không thể thoát ra khỏi nơi nguy hiểm. Vì vậy, khi không may rơi vào đám cháy, muốn tự cứu mình và cứu người cần giữ tâm lý bình tĩnh để nhận định tình hình, nắm chắc các yếu tố nguy hiểm và thực hiện các giải pháp thoát nạn theo hướng dẫn nêu trên.

Bảo Anh