Ấm tình lính đảo

29/01/2019 15:09 Số lượt xem: 2827
Tết ở Trường Sa thật đặc biệt, không phiên chợ Tết, không có chợ hoa, nhưng không khí đón Xuân thật rộn ràng. Giữa mênh mông sóng nước, xen lẫn màu xanh của những tán bàng vuông, màu hồng phớt của những nhành hoa giấy, màu trắng tinh khôi của hoa phong ba…tất cả như đang hòa quyện, tô điểm cho không khí Xuân nơi trùng khơi thêm phần thú vị.

Vận chuyển nhu yếu phẩm lên đảo Trường Sa.

 

Trước thềm năm mới, những chuyến tàu đặc biệt lại mang mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.Mỗi chuyến đi, mang theo niềm tin và sự gửi gắm của đất liền cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Sau ba ngày ngày rời cảnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tàu KN - 491 đã đến Trường Sa. Những món quà mang ra đảo xa cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết cổ truyền đủ đầy, từ nhu yếu phẩm đến lá dong, gạo nếp, thịt lợn, su hào, bắp cải, hành khô, quất cảnh…. tất cả đều được được chuẩn bị rất chu đáo, thể hiện sự quan tâm của đồng bào cả nước với Trường Sa. Đây cũng là nguồn động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, yên tâm bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Một tiết mục văn nghệ của quân và dân đảo Trường Sa.

 

Những ngày này, thị trấn Trường Sa trở nên bận rộn khác thường, một không khí tấp nập ngập tràn thị trấn, tiếng nói cười, những lời chúc Tết khiến cho không khí ngày Xuân càng trở nên chộn rộn. Khi những phần quà từ đất liền được chuyển lên đảo, cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa chuẩn bị bữa cơm tất niên. Điều đặc biệt của Tết nơi đây đó là sự hội tụ của sắc mai vàng rực rỡ phương Nam cùng những cặp bánh chưng, bánh dày và cành đào đỏ thắm của miền Bắc. Hơn thế, tình đồng chí, đồng đội sum vầy và quây quần bên mâm cỗ ngày Tết đã khiến cho chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của người con đất Việt nơi đảo xa.

Nét riêng biệt ngày Tết ở Trường Sa là trên bàn thờ của các điểm đảo, bên cạnh bánh chưng truyền thống thường có thêm bánh chưng lá bàng vuông. Đây là một “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa, mang hương vị riêng của biển cả, thể hiện sức sống bất diệt trên vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Anh lính trẻ vừa tròn tuổi đôi mươi Dương Quốc Thịnh, quê thôn Thành Ý, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) nhớ lại ngày ra đảo Trường Sa lớn: “Ngày đầu ra đảo em rất nhớ nhà, nhất là lúc cùng đồng đội gói bánh chưng những ngày giáp Tết. Đặc biệt, đêm 30 Tết đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên ti vi nỗi nhớ càng da diết hơn. Nhưng với tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, sự động viên của các cán bộ khiến nỗi nhớ đó nhanh chóng vơi đi”.

Đối với chiến sĩ Lê Xuân Quang, 19 tuổi, thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn), lần đầu ăn Tết ngoài đảo Trường Sa lại gợi cho chúng tôi hình ảnh một người lính cứng cỏi, mạnh mẽ: “Em được nghe nói đến quần đảo Trường Sa rất nhiều qua đài, báo. Em mong được ra đảo, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc và mơ ước đã trở thành hiện thực. Lần đầu tiên được ăn Tết ngoài đảo, dù sao cũng nhớ về quê nhà, nơi bố mẹ đang ngóng trông từng ngày, nhưng ở đảo xa vẫn có một “gia đình lớn” mà ở đó có sự chia sẻ, động viên của những người anh, người chú và hơn hết chúng em có những đồng đội gắn bó thân thiết như anh em”.

 

Thi đấu bóng chuyền chào xuân mới.

 

Trong không khí Xuân chộn rộn, Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “Tết đến, Xuân về, mỗi người đều có một gia đình, một hậu phương vững chắc, đều có những tâm tư, tình cảm riêng. Để có một cái Tết ý nghĩa, trọn vẹn, chúng tôi cũng gói bánh chưng, đón Giao thừa, tổ chức văn nghệ, hái hoa dân chủ. Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa cũng lạc quan, yêu đời và luôn mang trong mình một niềm tin sắt đá, chắc tay súng bảo vệ bình yên chủ quyền cho biển đảo Tổ quốc, để mùa xuân thanh bình, ấm no hạnh phúc về với mọi nhà…” .

Đỗ Xuân