Đừng “mượn gió bẻ măng”

27/05/2020 19:48 Số lượt xem: 2983
Vừa uống chén chè nóng, ông Tích đã mở đầu câu chuyện với mấy ông bạn hưu trong xóm: Được mùa rớt giá, mất mùa tăng giá là câu chuyện tất yếu của thị trường. Nhưng mất mùa một, giá tăng hai, ba và nhiều nữa, theo kiểu “mượn gió bẻ măng”, lấy sức người khác để làm giàu cho mình như tình trạng giá thịt lợn tăng “chóng mặt” hiện nay thì thực sự khiến nhiều người bức xúc!

Ông Trí góp chuyện: Đúng vậy, mấy ngày qua, báo, đài đưa tin, giá lợn hơi tại miền Bắc đã tăng lên ở mức phổ biến từ 95.000 - 99.000 đồng/kg, một số nơi đã vọt lên trên 100.000 đồng/kg. Ở miền Trung, miền Nam cũng đồng loạt tăng giá trong suốt những ngày qua. So với đầu năm 2019 là thời điểm giá lợn hơi bắt đầu tăng thì hiện nay giá thịt lợn trên cả nước đã tăng vọt lên đến hơn 200% rồi đấy.
Tôi thấy chưa bao giờ người tiêu dùng lại phải mua thịt lợn với giá cao “ngất ngưởng” như vậy, nhất là trong bối cảnh cả nước chung sống với dịch COVID-19 hiện nay. Mà, lý do “muôn thủa” được các thương lái đưa ra vẫn là do nguồn cung ứng thịt lợn khan hiếm bởi hết dịch tả lợn châu Phi lại đến dịch bệnh COVID -19… mới bực chứ. Ông Tâm đồng tình.
Ông Trí thông tin thêm: Cũng theo các phương tiện thông tin đại chúng thì rõ ràng trong “cơn say tăng giá” của thịt lợn hiện nay, dư luận và người tiêu dùng đang rất cần các cơ quan quản lý khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình… bởi hơn một năm qua, đã có nhiều giải pháp được các ngành triển khai mà giá thịt lợn vẫn như “con ngựa bất kham”, cứ tăng, không giảm, mạnh ai nấy tăng, hôm sau tăng cao hơn hôm trước… Nhiều chuyên gia phân tích đã chỉ rõ “lỗ hổng” trong quản lý giá thịt lợn hiện nay. Đó chính là việc các ngành chức năng chưa dự báo, đánh giá đúng được thực trạng, xu hướng thực tế của việc cung ứng thịt lợn trên thị trường; chưa kiểm soát được giá thịt lợn để có giải pháp thỏa đáng nhằm kiềm chế tình trạng tăng giá bất hợp lý. Bởi theo tính toán của các cơ quan chức năng thì chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp chăn nuôi hiện vào khoảng 45 nghìn đồng/kg lợn hơi, nhưng đến tay người tiêu dùng thì tăng gấp tới hơn 2,2 lần...
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng phải có giải pháp kiên quyết giảm giá thịt lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg nhằm kiềm chế lạm phát và nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Vấn đề đặt ra là với vai trò, chức năng và trách nhiệm của mình, các ngành phải thực sự bắt tay vào cuộc, khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp... Ông Tâm khẳng định.
Đúng vậy. Ông Tích tiếp lời. Trước hết là phải làm rõ giá trị gia tăng từng khâu trong chuỗi cung ứng thịt lợn, từ trang trại vào lò mổ, rồi ra chợ, siêu thị… nhằm có giải pháp liên kết, tạo chuỗi sản xuất khép kín, giảm tối đa các khâu trung gian, là một trong những lý do khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng chênh quá nhiều so với lợn hơi. Cần tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các hiện tượng tư thương găm hàng tăng giá, “thổi” giá bất hợp lý. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các đơn vị giết mổ, cung ứng thịt lợn thì ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện để giảm giá thành cần có những giải pháp mạnh, thậm chí là đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá để kiểm soát chi phí, giá thành, hạn chế tối đa sự tăng giá vô lý. Vấn đề lâu dài là cần có những dự báo chính xác về thị trường, có giải pháp đẩy nhanh quá trình tái đàn và tổ chức chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn hiệu quả nhằm tạo sự cân đối cung cầu trên thị trường... Đối với người tiêu dùng trong giai đoạn này cũng nên có sự thay đổi. Trước mắt, mỗi gia đình nên giảm tiêu thụ thịt lợn và thay thế bằng các loại thực phẩm khác nhằm giảm sức ép tăng giá thịt lợn hiện nay...
Nghe ông Tích phân tích cặn kẽ, có lý, có tình, các ông bạn hưu trong xóm tán thành cao.

Nguyên Phương