Đưa nghị quyết kỳ họp thứ mười ba, HĐND tỉnh khóa XVIII vào cuộc sống

12/07/2019 08:53 Số lượt xem: 3161
LTS: Kỳ họp thứ Mười ba, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa bế mạc. Báo Bắc Ninh phỏng vấn nhanh một số lãnh đạo ban, sở, ngành của tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết kỳ họp vào cuộc sống:

 

Tăng cường các biện pháp bảo đảm, giữ vững an ninh trật tự
(Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh)
6 tháng cuối năm 2019, Công an tỉnh tiếp tục bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả Đề án bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; quan tâm chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất uy tín, ngang tầm nhiệm vụ của lực lượng; làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, không để xảy ra bị động bất ngờ trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kiên quyết không để hình thành các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm gây bức xúc trong nhân dân; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; tiếp tục tham mưu khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao, cửa ngõ thành phố, khu công nghiệp, tạo chuyển biến tích cực về trật tự công cộng; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, khu công nghiệp…; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tiếp tục giữ vững ANTT tại địa bàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tập trung giải quyết vấn đề quá tải học sinh ở một số địa phương
(Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo)
Chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, nổi bật: Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của các cấp học duy trì ở mức độ cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập cấp học và tốt nghiệp THCS, THPT luôn đạt trên 99%; kết quả thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2018 đoạt 52 giải, đạt 81.3%; năm 2019 đoạt 59 giải, đạt 84,3%; đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn, 85,34% trên chuẩn; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học tiếp tục được tăng cường đầu tư đồng bộ và hiện đại...
Tuy nhiên, ở một số địa phương trong tỉnh còn tình trạng quá tải số học sinh/1 lớp học, hệ quả của việc tăng dân số cơ học. Để khắc phục từng bước vấn đề này cần những giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành vào cuộc. Ngành GD - ĐT đã và đang chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp: Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh; phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 25-5-2017 của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh thực hiện Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 25-12-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025; Thực hiện khoán định mức giáo viên các trường mầm non, trường phổ thông và nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 120/NQ-HĐND ngày 18-7-2018 của HĐND tỉnh; Chuyển đổi một số trường công lập sang tự chủ hoặc tự chủ một phần với những nơi có điều kiện xã hội hóa cao; Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách
(Ông Ngô Tân Phượng, Giám đốc Sở Tài chính)
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách. Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm thu ngân sách của Bắc Ninh vẫn đạt 55% dự toán, điều này thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành và cơ quan thu ngân sách. Dự báo thu ngân sách những tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều khó khăn có thể sẽ giảm thu ở khu vực doanh nghiệp FDI, thuế bảo vệ môi trường và thuế thu nhập cá nhân. Để hoàn thành mục tiêu năm 2019 là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 27.975,5 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 21.725,5 tỷ đồng, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, quản lý ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Rà soát tổng thể các nguồn thu, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ cá nhân kinh doanh. Quyết liệt thực hiện các giải pháp để bù đắp giảm thu ngân sách; tăng nguồn thu ngân sách địa phương tối đa để bảo đảm có nguồn tăng mặt bằng chi ngân sách địa phương, tạo thuận lợi cho lập và thực hiện dự toán ngân sách thời kỳ ổn định mới 2021-2025. Tập trung pháp phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút, khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững. Theo dõi chặt chẽ diễn biến nợ đọng thuế ở từng tổ chức, cá nhân, có biện pháp đôn đốc thu nợ đọng thuế để bù đắp các khoản dự báo giảm thu. Thực hiện thu tiền sử dụng đất từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, ghi thu - ghi chi tiền sử dụng đất các dự án khác đối ứng dự án BT,... Chú ý đến công tác tuyên truyền, cải cách hành chính, hỗ trợ người kê khai, nộp thuế, phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.
Đẩy mạnh giải quyết TTHC “4 tại chỗ”
(Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh)
Để nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), 6 tháng cuối năm, Trung tâm HCC tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, phân loại TTHC, đặc biệt là TTHC có yếu tố liên thông áp dụng tại Trung tâm; Xây dựng quy trình xử lý TTHC quản lý, điều hành trên phần mềm ứng dụng theo hướng loại bỏ các quy trình rườm rà, giảm đầu mối, tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa việc giải quyết; Đưa bộ phận hỗ trợ, tư vấn về TTHC cho người dân, doanh nghiệp đi vào hoạt động; Đẩy mạnh thực hiện việc giải quyết TTHC “4 tại chỗ” đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu quý III-2019 đạt tỷ lệ trên 75%; Ứng dụng việc lập bản đồ và số hóa trong hướng dẫn giải quyết TTHC tại Trung tâm; Triển khai phần mềm ứng dụng (phiên bản mới nâng cấp), đưa ứng dụng sơ đồ hóa vào tích hợp với phần mềm dịch vụ công để tạo sự tiện lợi cho tổ chức, doanh nghiệp tra cứu hồ sơ giải quyết TTHC; Tham mưu thành lập đoàn kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện giải quyết TTHC tại các sở, ngành; Xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng, tích hợp dữ liệu; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trong toàn tỉnh; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong Đề án cải cách TTHC đã được UBND tỉnh phê duyệt; Áp dụng quy trình ISO theo tiêu chuẩn 9001-2015 đối với các TTHC được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã.
Các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là: Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế phối hợp, Quy chế hoạt động, Quy chế đánh giá cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm; Nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị và công chức, viên chức trong giải quyết TTHC; Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào giải quyết TTHC; Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ làm việc tại Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã đảm bảo đồng bộ, hiện đại. 
Khai thác các nhân tố mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế
(Ông Nguyễn Quốc Chung, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy)
Với độ mở khá lớn của nền kinh tế, Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng bị chi phối lớn của tình hình kinh tế thế giới. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra khá phức tạp, kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng khá sâu dẫn đến mục tiêu tăng trưởng của Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2019 không đạt như kịch bản đưa ra. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm rất khó khăn. Để đạt mục tiêu GRDP năm 2019 tăng 2,1% so với năm 2018, Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất một số giải pháp trọng tâm: Một mặt tiếp tục phát huy và quan tâm thu hút, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mặt khác tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, làng nghề,...). Chú trọng khai thác các nhân tố mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các KCN VSIP II, Yên Phong 2C, đồng thời tận dụng tốt cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, VEIPA, CPTPP,... ) nhằm thu hút, thúc đẩy phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng đề án, đề xuất chính sách thiết thực trên cơ sở quy hoạch sản phẩm, địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực. Từng ngành, từng cấp cần nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận số 561-KL/TU ngày 1-7-2019 của Tỉnh ủy về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2019, có các giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu cả năm. Đặc biệt, chú trọng phát huy các sáng kiến, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn để xoay chuyển tình hình từ những việc nhỏ, cụ thể nhất, tạo động lực lan tỏa cho những mục tiêu lớn hơn.
Từng bước đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương
(Ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng)
Bắc Ninh đang trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, hiện đã có nhiều tiêu chí đạt và vượt, song còn tiêu chí tỷ lệ đô thị hóa vẫn chưa đạt cần phải nỗ lực hơn nữa mới hoàn thành. Để từng bước hiện thực hóa tiêu chí này, năm 2019 Bắc Ninh phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%. Vì vậy, từ nay đến cuối năm Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển và các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương gắn mối quan hệ với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Thực hiện có hiệu quả các định hướng của quy hoạch vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Các ngành, địa phương tập trung triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu nhà ở, KCN, khu thương mại - dịch vụ… trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thu hút đầu tư. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở, các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh. Tập trung hoàn thành các đề án đề nghị Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV đối với các huyện Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ; nâng cấp 8 xã của thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn lên phường, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên khoảng 38%. Rà soát các tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kinh tế - xã hội, tiến tới các năm tiếp theo đề nghị Chính phủ thẩm định, Quốc hội công nhận các huyện Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du là thị xã, thị xã Từ Sơn là thành phố trực thuộc tỉnh.
Nhóm P.V