Đưa lịch sử địa phương vào trường học, cách làm mới ở thành phố Bắc Ninh

09/04/2019 08:05 Số lượt xem: 1568
 Cầm cuốn “Tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh” trên tay, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu chia sẻ với chúng tôi rằng: “Đưa lịch sử địa phương vào trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về mảnh đất, văn hóa, lịch sử, nơi mình sinh ra, mà còn giúp thế hệ trẻ sống có lý tưởng, tích cực rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành”.

Là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức biên soạn tập bài giảng lịch sử địa phương, cuối năm 2018 Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh xây dựng kế hoạch, triển khai sâu rộng tới các trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS). Đây là nét mới trong thực hiện Nghị quyết số 04 về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020”. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh cho biết: “Ngay sau kế hoạch triển khai của Ban Tuyên giáo Thành ủy chúng tôi tích cực chỉ đạo các trường Tiểu học và THCS lồng ghép phổ biến nội dung, chương trình phù hợp với từng lứa tuổi theo hướng dẫn cụ thể của 2 tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh”.

 

Em Nguyễn Thị Thúy Anh, học sinh lớp 6 A7, Trường THCS Tiền An thuyết trình trận chiến trên Phòng tuyến sông Như Nguyệt.


Tư liệu xuyên suốt 2 cuốn tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh là những mảnh đất, con người, địa danh như: Phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), Đền Cùng-Giếng Ngọc, Đền Bà chúa Kho, Văn Miếu Bắc Ninh, Thành cổ Bắc Ninh, làng Tiến sĩ Kim Đôi… đến các lễ hội truyền thống, độc đáo. Tất cả được chuyển thể bằng những câu chuyện ngắn gọn, giản dị, súc tích, mang tính nhân văn sâu sắc. Dự 1 tiết giáo dục công dân, lớp 5A3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản với chủ đề “Câu chuyện về Thủy tổ Quan họ và cụm di tích làng Diềm”, chúng tôi cảm nhận không khí lớp học diễn ra sôi nổi, sinh động, mang đậm nét văn hóa vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. Cô giáo Nguyễn Kiều Trang tâm đắc: “Tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh là kim chỉ nam, định hướng cho giáo viên đi sâu vào những nội dung cốt lõi về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương. Đó là nền tảng căn bản để chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền đạt kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống trọng tâm theo phương pháp tích hợp trực quan sinh động”. Cách sử dụng hình ảnh, tư liệu cụ thể cùng kỹ năng truyền đạt linh hoạt, giúp các em học sinh từng bước tiếp nhận, cảm thấu về tinh hoa văn hóa Quan họ. Những câu hỏi: Thủy tổ Quan họ bắt nguồn từ đâu? Đền Cùng-Giếng Ngọc có gì đặc biệt? Vì sao người dân làng Diềm có giọng hát Quan họ ngọt ngào, đằm thắm? Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quan họ diễn ra như thế nào?... được cô giáo nêu ra và học sinh tìm tòi, khám phá, nhằm đưa học sinh trở về nguồn cội, sống có ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, giàu bản sắc quê hương. 
Nhìn lên bản đồ phác họa trên màn hình tương tác, em Nguyễn Thị Thúy Anh, học sinh lớp 6 A7, Trường THCS Tiền An tự tin thuyết trình quá trình diễn biến cuộc chiến chống quân Tống trên Phòng tuyến sông Như Nguyệt. Nghe xong, các bạn trong lớp đưa ra nhiều câu hỏi: Vì sao Thái úy Lý Thường Kiệt lập Phòng tuyến ở sông Như Nguyệt? Tại sao Thái úy Lý Thường Kiệt lại đọc bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà”? Vì sao quân và dân ta chiến thắng quân nhà Tống?... Những cuộc tranh luận, phân tích sôi nổi, những tràng pháo tay động viên khiến cho môn lịch sử địa phương trở nên hào hứng, thú vị. Cô giáo Vương Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiền An chia sẻ: “Ngoài những tiết học chính khóa, Nhà trường còn tổ chức đưa học sinh đi thăm quan các điểm di tích, lịch sử. Đó là cách để mỗi em học sinh trải nghiệm thực tiễn, hiểu rõ và thêm trân quý giá trị truyền thống quê hương. Qua đó, giúp các em học sinh tìm hiểu, tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương, khẳng định chủ quyền dân tộc, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha ông, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đưa tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh vào giảng dạy cho học sinh các cấp Tiểu học và THCS là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đây là bước đi khởi đầu trong tiến trình hoàn thiện những thế hệ công dân của một đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc văn hiến và cách mạng.

Phong Vân