“Thắp lửa” cho những đam mê khởi nghiệp

22/01/2020 10:25 Số lượt xem: 2666
Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” lại được nhắc đến nhiều như thời gian qua, nhất là khi tỉnh có chủ trương chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay hỗ trợ thanh niên và phụ nữ khởi nghiệp. Nguồn vốn đã “thắp lửa” cho những đam mê, nhiệt huyết khuyến khích nhiều người dám bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân trên con đường lập thân, lập nghiệp truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp cho những người cùng thế hệ. 

Người làm nên thương hiệu võng, nôi Đại Vĩ
Năng động và luôn cháy hết mình với niềm đam mê kinh doanh là ấn tượng lần đầu tiếp xúc với chàng trai Lê Quang Đức, sinh năm 1986, xã Hoài Thượng (Thuận Thành). Không nói quá nhiều về mình, Đức say sưa kể về hành trình đến với con đường kinh doanh của bản thân như một cơ duyên định trước. Đức tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Kỹ thuật, tôi xin vào làm việc ở một Công ty sản xuất linh kiện điện tử. Vốn xuất thân từ gia đình có ông bà nội chuyên làm võng dù, võng đay bán ở các chợ dân sinh cộng với kiến thức trong lĩnh vực công nghệ điện tử cùng niềm đam mê kinh doanh, tôi nghỉ việc về quê quyết tâm mở cơ sở sản xuất võng - nôi theo hướng cách tân, hiện đại”. 

 

Cán bộ NHCSXH tỉnh giải ngân cho vay vốn tại điểm giao dịch lưu động.


Năm 2012, Đức mở cơ sở sản xuất võng nôi tự động 2 trong 1 và các đồ dùng, đồ chơi thông minh bằng gỗ phục vụ trẻ em. Khi bắt tay vào sản xuất, gặp vô vàn khó khăn. Đức nhớ lại: “Đã có lúc gần nghìn sản phẩm làm ra phải vứt bỏ, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng. Song không nản lòng trước khó khăn, tôi huy động mọi nguồn lực, cải tiến mẫu mã, lăn lộn tìm kiếm thị trường đầu ra. Sau bao cố gắng, cộng với việc hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng, đến nay tôi có thể mỉm cười với những gì mình có. Năm 2013 tôi quyết định thành lập Công ty TNHH, Sản xuất và Thương mại võng - nôi Đại Vĩ ”.  
Năm 2016, sản phẩm võng nôi 2 trong 1 của Công ty được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ thương hiệu sản phẩm độc quyền, tránh bị hàng giả, hàng nhái. Cuối năm 2018, Công ty được NHCSXH Thuận Thành giải ngân cho vay 1 tỷ đồng theo Đề án thanh niên khởi nghiệp. “Đối với những người trẻ khi khởi nghiệp, vốn là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Nếu trong lúc khó khăn, không được sự trợ sức của ngân hàng, các tổ chức tín dụng và những chính sách ưu đãi của tỉnh thì những người trẻ khởi nghiệp khó có thể thành công…” Đức chia sẻ.  

 

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 13-11-2019 điều chỉnh 50 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương bố trí trong dự toán ngân sách năm 2019 ủy thác qua NHCSXH để cho vay phát triển kinh tế trang trại, VAC bổ sung sang cho vay dự án phụ nữ và thanh niên khởi nghiệp 40 tỷ đồng, 10 tỷ đồng bổ sung vốn Điều lệ Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh. Hiện tổng nguồn vốn cho vay dự án khởi nghiệp là 130 tỷ đồng; dư nợ hơn 84 tỷ đồng cho 123 dự án vay vốn. Trong đó phụ nữ 76 khách hàng với số vốn hơn 49,6 tỷ đồng, thanh niên 47 khách hàng với số vốn hơn 34,4 tỷ đồng. 


Hiện Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, mỗi tháng xuất bán gần 10 nghìn sản phẩm, doanh thu 4-5 tỷ đồng, là đối tác tin cậy của hơn 100 đại lý ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 20% xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia. 
Bằng kinh nghiệm có được sau nhiều năm lăn lộn với thương trường, chắc chắn rằng thành công của Lê Quang Đức chưa dừng lại ở đây khi nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ khởi nghiệp là điểm tựa vững chắc để anh tiếp tục gặt hái những thành công mới.

9x khởi nghiệp từ nghề truyền thống
Xuất thân từ làng nghề truyền thống đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), chàng trai Hoàng Văn Điệp sinh năm 1991 được cha truyền nghề từ khi đầu còn để chỏm. Sản phẩm đầu tay của Điệp chỉ là cái mâm, chiếc xoong... với nét chạm thô cứng. Sau thời gian dài miệt mài, rèn dũa, kỹ thuật điêu luyện hơn, anh bắt đầu chạm khắc đồ mỹ nghệ. Dù được đánh giá là có tay nghề cao nhưng bản thân vẫn chưa mãn nguyện, anh tìm đến những cụ cao niên trong làng nhằm bổ khuyết tay nghề. Học được bí quyết “độc” cộng thêm những năm tháng bám nghề, Điệp cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp và tinh tế. Từ lư hương, đỉnh đồng đến đôi hạc, bức tranh, hoành phi, câu đối... đều được chạm khắc tinh xảo.

 

Sản phẩm bằng đồng được bày bán tại nhà của anh Hoàng Văn Điệp. 


 Khi vững nghề, đầu năm 2018, anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp của bản thân mình. Tháng 5-2019, Điệp được NHCSXH huyện Gia Bình giải ngân cho vay vốn theo dự án Thanh niên khởi nghiệp. Anh chia sẻ “Tôi rất vui vì chính sách ưu đãi của tỉnh quan tâm tới các dự án thanh niên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Số vốn 2 tỷ đồng, mức vay tối đa theo quy định của Đề án giúp nâng tầm, mở rộng quy mô “dự án khởi nghiệp” của mình. Với chu kỳ vay dài, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn thực sự là động lực thắp lửa cho những ý tưởng khởi nghiệp”. 
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, chàng trai trẻ Hoàng Văn Điệp đã duy trì, phát triển nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh tự đặt ra “tiêu chuẩn” đối với chính mình: “Tôi luôn cố gắng để mỗi sản phẩm đem ra thị trường có chất lượng, mẫu mã tốt nhất”. Cái tâm của người thợ càng không cho phép tôi lơ là chất lượng của từng sản phẩm khi xuất xưởng”. 
“Bén duyên” với lan rừng
Bị choáng ngợp trước mô hình trồng lan rừng của gia đình chị Vũ Thị Thụy, thôn Phù Ninh, thị trấn Gia Bình (Gia Bình) bởi bạt ngàn các loại lan quý hiếm có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/1 giò đã minh chứng cho sự khởi nghiệp thành công của chị. 
Với niềm đam mê lan rừng, chị Thụy cùng chồng bỏ công sức nhiều năm liền đến các nhà vườn trồng lan có tiếng khắp trong và ngoài tỉnh để sưu tầm, mua về nhân giống. Đam mê, yêu thích loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng sắc đẹp” từ lâu, nhưng đến đầu năm 2018 chị mới có điều kiện đầu tư bài bản nhân giống và trồng loài hoa này. Tháng 7-2019, chị Thụy được NHCSXH huyện Gia Bình giải ngân cho vay mức tối đa 2 tỷ đồng theo Đề án phụ nữ khởi nghiệp, gia đình đầu tư nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, quy hoạch khu chuyên ươm giống lan đột biến, có chế độ chăm sóc đặc biệt. Trên diện tích 2.000 m2 trồng lan, đến nay chị sưu tầm, nhân giống và trồng được hàng chục loại với 6.000 - 7.000 giò to nhỏ khác nhau. Nhiều giò lan đột biến như phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, phi điệp mắt mơ... độc đáo và cho giá trị kinh tế rất cao. Theo chị, giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa, nhất là những giò lan ra hoa đột biến và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị của nó. 
Có thể xuất phát điểm không giống nhau, dám rẽ ngang vì thử thách đam mê của bản thân nhưng để đến thành công, sự trợ lực về vốn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công giúp anh Đức, anh Điệp, chị Thụy và nhiều người khác vững vàng hơn trên con đường khởi nghiệp. 

Hà Linh