“Quận công làng Cháy”- Danh thần tài giỏi đất Đông Ngàn

14/06/2019 09:59 Số lượt xem: 3988
Quận công Nguyễn Công Hãng sinh năm Canh Thân (1680), người làng Roi Sóc (tên gọi nôm là làng Cháy) thuộc tổng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Cái tên làng Cháy gắn liền với sự tích Thánh Gióng “Phù Đổng Thiên Vương”. Khi cậu bé làng Gióng vươn vai, nhảy lên ngựa sắt tiến đánh giặc Ân, thì ngựa sắt hí vang, phun lửa cháy mấy làng bên cạnh. Nên dân chúng quen gọi là Làng Cháy.
Nguyễn Công Hãng đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, khoa Canh Thìn (1700) đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (Chúa Trịnh Căn). Khoa thi Đình này ông đỗ thứ 2 trên tổng số 19 nho sinh. Ông được bổ nhiệm làm quan và đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Tham tụng, Thái Bảo bậc Tể Tướng, Lại bộ Thượng thư, tước Quận Công… Ở quê nhà, dân chúng quen gọi ông với cái tên dân dã, thân mật là “Sóc Quận Công “.
Vào thời ấy, Quận công Nguyễn Công Hãng không những nổi tiếng là một vị đại thần “Có tài trị nước, cương nghị quả quyết” mà còn là một nhà thơ tài danh với bút hiệu là Thái Thanh và Tĩnh Am. Tác phẩm để lại của ông đáng chú ý có “Linh Sào Thi Tập” (Tập thơ bè Sao). Trong đó gồm những bài thơ vịnh, tả cảnh để tặng sứ bộ Cao Ly (Triều Tiên), khi ông được vua Lê đặc cách xuống chỉ xung chức Chánh sứ thay mặt triều đình nước Nam sang nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1718, để ngoại giao, thương thuyết nhiều công việc quan trọng của nước nhà... 
Thơ của “Sóc Quận Công” đằm thắm, chân tình, phản ánh trách nhiệm của thần dân đối với sự trăn trở an nguy của đất nước, coi trọng mối quan hệ bang giao thân mật giữa các dân tộc và các nước láng giềng. Cụ Phan Huy Chú đã nhận xét thơ của Nguyễn Công Hãng: ...“Có khí phách, thanh nhã, trôi chảy, đáng đọc ... “Thơ của ông viết khi đi sứ ở bên nước bạn thì cảm thán, dạt dào, sâu lắng. Nhớ về nước nhà thì lưu luyến, day dứt nhớ thương với nỗi niềm của người con xa quê hương, nhưng lòng vẫn luôn hướng về cố quốc!
“Sóc Quận Công” Nguyễn Công Hãng là một vị quan đại thần rất trung nghĩa, thanh liêm, tài năng xuất chúng, phò Vua giúp nước hết lòng. Song vì tính tình cương trực, thẳng thắn rạch ròi, nên trong triều đình có những kẻ xu nịnh, cơ hội ghen ghét luôn tìm cách ám hại ông... Hồi đó, chúa Trịnh Cương thấy mình đã già yếu nên có ý định trao quyền cho con, bèn tham khảo ý kiến các quan đại thần trước. Quận công Nguyễn Công Hãng thực thà, viết một tờ khải mật tâu lên Chúa và thẳng thắn nhận xét về Trịnh Giang là “... Thế tử là người lười biếng không thể gánh vác việc nước được...”.
Sau khi Trịnh Cương mất, Trịnh Giang lên ngôi Chúa, bắt được tờ khải của Nguyễn Công Hãng tấu lên cha mình nên rất bực tức. Nhân đà “Đục nước béo Cò”, bọn tham quan trong triều cụm lại xúc xiểm, chúa Trịnh Giang thanh trừng ông. Lúc này, chúa Trịnh Giang đang mải sa đà vào ăn chơi, ham mê tửu sắc bỏ bê công việc triều chính. Trong khi dân chúng đang cùng cực đói kém thì Chúa lại ra lệnh phá hành cung Cổ Bi (Gia Lâm) làm lại và xây dựng mới thêm hàng chục ngôi chùa lớn, bắt hàng vạn người dân quanh vùng phải đi lao động cực khổ. Chúa Trịnh còn đặt ra chế độ “bán quan chức” làm cho việc thi cử trở nên hỗn loạn, nhũng nhiễu, không chọn được người hiền tài. Thừa cơ, mấy trăm tên hoạn quan trong triều đình lúc đó đứng đầu là Hoàng Công Phụ ra sức choán quyền, hoành hành. Chúa Trịnh Giang nghe theo bọn chúng, giáng chức Quận công Nguyễn Công Hãng xuống làm Thừa chính sứ, điều ông đi lên Tuyên Quang rồi bức tử ông ở đó. (Cùng bị giết hại trong đợt này còn có Lê Anh Tuấn, Trương Nhưng và một số vị quan trung nghĩa khác bị cách chức cho về quê). Gần nửa thế kỷ sau, vào đời chúa Trịnh Sâm, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786)  Nguyễn Công Hãng mới được minh oan. 
Cuộc đời và sự nghiệp của “Sóc Quận Công” Nguyễn Công Hãng trong sử sách nước ta ghi lại không nhiều và ở quê hương ông cũng lưu truyền rất ít tư liệu. Song những gì còn lại hiện tại đã đủ minh chứng và khẳng định ông là một con người từ nhỏ thông minh, hiếu học, đỗ đạt sớm. Xứng đáng là một tôi trung, một quan đại thần tài giỏi, uyên bác, cương trực, vô tư, liêm khiết, dám nói thẳng, nói thật. Một niềm yêu nước, thương dân, quên cả bản thân, hết lòng vì nghĩa lớn, vì đất nước trường tồn.

Phúc Toản