Đồng chí Ngô Gia Tự - Tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo

02/12/2019 20:31 Số lượt xem: 3177
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3 - 12 - 1908 trong một gia đình yêu nước tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn). Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, Ngô Gia Tự đã sớm thể hiện ý chí và hành động yêu nước.

Năm 1922 sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học trường Kiêm Bị, đồng chí vào học Trường Bưởi (Hà Nội). Tại đây Ngô Gia Tự đã được đọc báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và giác ngộ Chủ nghĩa Mác - Lênin. Cuối năm 1925, đầu năm 1926 Ngô Gia Tự tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Trở lại quê, đồng chí vừa lao động vừa tự học và tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1926, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang Bản Đáy, Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Sau khóa huấn luyện, Ngô Gia Tự trở về nước hoạt động tuyên truyền cách mạng, phát triển tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đến giữa năm 1927, tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được chỉ định là ủy viên Tỉnh bộ. Đến giữa năm 1928, đồng chí là Bí thư tỉnh bộ Bắc Ninh - Bắc Giang. Tháng 9 - 1928 đồng chí được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, tại Hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đề nghị tăng cường thâm nhập vào quần chúng công nông. Hội nghị đã quyết định đưa hội viên đi “vô sản hóa” vào làm công nhân ở các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền,“vô sản hóa” đã trở thành phong trào mạnh mẽ. Trước làn sóng đấu tranh quyết liệt và có tổ chức của công nhân, bọn thống trị buộc phải có những nhượng bộ, công nhận một số quyền lợi của công nhân. Cùng với phong trào công nhân, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân cũng diễn ra sôi nổi. Trước thực tiễn của phong trào cách mạng dân tộc, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một chính đảng thật sự của giai cấp công nhân. Tháng 5 - 1929, Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), Ngô Gia Tự đưa ra những luận cứ sắc bén về sự cần thiết thành lập chính đảng của giai cấp công nhân...
Ngày 17 - 6 - 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự đã tham gia Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Theo sự phân công của Trung ương, cuối tháng 7 - 1929 đồng chí Ngô Gia Tự vào hoạt động ở Nam Kỳ. Đồng chí đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân, góp phần xây dựng nhiều tổ chức Công hội ở Sài Gòn - Chợ Lớn, các chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhà máy Ba Son, đồn điền cao su Phú Riềng. Sự ra đời và phát triển của Đông Dương Cộng sản Đảng đã ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng trong nước và dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ và cuối năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ vào đầu năm 1930. Tháng 2 - 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất ở nước ta - Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư cấp ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển rầm rộ, đêm 31 tháng 5 năm 1930, tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè, Sài Gòn đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt. Biết đồng chí là một nhân vật quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kẻ thù tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, giam cầm tại nhiều nhà tù, tra tấn dã man, nhưng không khuất phục được trước ý chí sắt đá và tinh thần dũng cảm của đồng chí. Ngô Gia Tự đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tích cực giảng giải lý luận cách mạng và dạy văn hóa cho anh em tù chính trị. Đầu năm 1935, Đảng bộ nhà tù Côn đảo quyết định tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác vượt ngục trở về đất liền để tiếp tục xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự đã hi sinh trên đường vượt biển.
Hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Ngô Gia Tự hy sinh nhưng tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí vẫn mãi mãi là tấm gương sáng  ngời cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và noi theo.   

Phương Mai