Đồng chí Hoàng Quốc Việt người cộng sản trung kiên của Đảng

27/05/2020 19:59 Số lượt xem: 2375
Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên khai sinh là Hạ Bá Cang (thường gọi là Sáu Cang), sinh ngày 28-5-1905 trong một gia đình nghèo tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Là người con yêu nước của quê hương Bắc Ninh, có chí căm thù giặc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã sớm tham gia hoạt động cách mạng: Năm 1925, tham gia phong trào bãi khóa, biểu tình phản đối chính quyền thực dân, đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh; năm 1928, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được cử vào Nam Kỳ hoạt động, tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đảng. Bằng hoạt động tích cực, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương… đã gây dựng được một số chi bộ đảng ở Nam Kỳ, tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn, Phú Riềng, Dầu Tiếng; của nông dân ở Mỹ Tho, Tân An… góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển.
Năm 1930, đồng chí Hoàng Quốc Việt gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Tháng 5 năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hải Phòng, Hỏa Lò rồi đầy đi Côn Đảo. Trải qua các nhà tù thực dân, nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí luôn tâm niệm một điều: Mỗi trận tra tấn dã man của kẻ thù thực sự là cuộc chiến đấu, đấu trí, đấu lực, người cộng sản phải vững tin vượt qua và chiến thắng, phải biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, môi trường rèn luyện ý chí cho mình. Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, ban bố một số quyền tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, đồng chí được trả tự do, nhưng bị quản thúc ở quê nhà (Đáp Cầu, Bắc Ninh). Đầu năm 1937, đồng chí trốn ra Hà Nội cùng với một số đồng chí như: Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác tham gia khôi phục tổ chức đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động báo chí công khai của Đảng.  
Cuối năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng, chuyển hướng các hình thức, phương thức hoạt động, đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Năm 1941, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương 8 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, sau đó được Trung ương cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. “Đồng chí đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, thực hiện nghiêm chỉnh, sáng tạo tư tưởng và chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, kiên cường giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ”(1).
Với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cộng sản và tinh thần hoạt động cách mạng nhiệt huyết, đồng chí được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII…
Với 87 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, vào sinh ra tử, đồng chí luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường tư tưởng của Đảng, được Đảng tín nhiệm và giao nhiều trọng trách. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở cương vị nào, đồng chí cũng tận tâm với công việc, hết lòng vì Đảng, vì dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về công tác vận động nhân dân, gắn bó Đảng với nhân dân. Trong tác phẩm Tăng cường liên hệ với quần chúng, rèn luyện lối sống cách mạng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình của mình, đồng chí đã viết: Đảng liên hệ với quần chúng nhân dân không những qua chính sách và phương pháp công tác mà còn qua các tổ chức chính quyền, các đoàn thể quần chúng, chủ yếu là qua các tổ chức cơ sở của Đảng là chi bộ và qua bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân là mối liên hệ sinh động và phát triển qua công tác thực tế hằng ngày và thái độ đối với quần chúng của mỗi người đảng viên và cán bộ của Đảng. Cho nên, liên hệ với quần chúng cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và khả năng công tác của một cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên tốt phải là người có liên hệ chặt chẽ với quần chúng và biết làm tốt công tác vận động quần chúng.
Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt là dịp để mỗi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần tự giác rèn luyện về mọi mặt, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
 

(1): Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt ngày 20-12-1992.

Tạ Đăng Đoan (Tỉnh ủy viên,Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)