Đời sống văn hóa ở An Bình

15/09/2021 20:40 Số lượt xem: 3083
An Bình là xã thuần nông, nằm ở phía đông của huyện Thuận Thành, cách trung tâm huyện lỵ 1km, cách thành phố Bắc Ninh 13km, có đường Quốc lộ 17 chạy qua và Quốc lộ 38 nằm liền kề rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.Thời xưa xã An Bình thuộc tổng Bình Ngô, huyện Gia Bình. Nơi đây có truyền thống văn hiến đáng tự hào. Di tích đền Bình Ngô và bản “Ngọc phả” kể rõ về thời đại Hùng Vương và hệ thờ Bách Noãn. An Bình cũng là đất hiếu học và khoa bảng, với 2 trạng nguyên, 4 tiến sĩ và nhiều cử nhân, tú tài. Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật là thành viên “Tao Đàn hội” của vua Lê Thánh Tông, sau là phụ chính triều đình, một trung thần thời Lê.

Với truyền thống văn hiến ấy, trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” luôn được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Xã An Bình tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu ở vùng nông thôn. Các hoạt động văn hóa, xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn1,16%; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững mạnh; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh; dân chủ ở cơ sở được phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoàn thành tốt các nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương;
Xác định được ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua xã An Bình triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đưa phong trào tại địa phương phát triển và nâng cao hơn về chất lượng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”ở xã gồm 13 thành viên, do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và đại diện các các ban ngành, đoàn thể tham gia là thành viên.
 Để cụ thể hoá việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” Ban Chỉ đạo ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách, đôn đốc các khu dân cư triển khai thực hiện phong trào, đồng thời sớm tham mưu cho Đảng uỷ và UBND xã ban hành các văn bản: “Chương trình hành động số 02 -CTr/ĐU về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Quyết định số 46/QĐ- UBND, ngày 12/12/2001 của UBND xã về thành lập BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Nghị quyết số 01/CT-ĐU, ngày 16/06/2002, của Đảng uỷ xã về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.Trên cơ sở đó cấp ủy, các ngành, đoàn thể chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị mình. Ngoài ra, Ban chỉ đạo xã còn phối hợp với các thôn, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa, gắn với việc chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư có tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện chủ trương “xóa đói giảm nghèo”.Thông qua các hình thức hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. Các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện thành lập 18 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngành, đoàn thể, các thôn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách. Công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực: năm 2011 xã có 144 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,07%, đến năm 2021 tổng số hộ nghèo giảm xuống còn 29 hộ, chiếm 1,16%. Xã luôn thực hiện tốt chính sách đối với người có công và“Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm”, với 11 hộ người có công được hỗ trợ về xây mới và sửa chữa nhà ở, 56 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động, 100% các gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, đồng thời các gia đình thuộc hộ nghèo được nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần.
Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa là nội dung quan trọng trong  thực hiện phong trào và luôn đạt kết quả cao. Từ năm 2001- 2020 toàn xã có 27.300 lượt gia đình được công nhận gia đình văn hoá, trong đó năm 2000 xã có 53,8% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đến năm 2020 xã có 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Năm 2020 cả 6/6 thôn trong xã đều đạt danh hiệu Làng văn hóa và xã đạt danh hiệu xã có phong trào giáo dục toàn diện. Tiêu biểu là đơn vị thôn Thường Vũ năm 2018 được UBND tỉnh tặng Bằng khen về xây dựng đời sống văn hóa và năm 2019 được Tỉnh ủy tặng Bằng khen về công tác giai đoạn 2009-2019.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, tạo sự chuyển biến trong nếp sống của từng cá nhân, từng gia đình. Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của địa phương và thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy, những tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu được từng bước xóa bỏ. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được từng bước nâng lên làm thay đổi bộ mặt nông thôn, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trong từng thôn luôn giữ vững. Đặc biệt, các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao do xã thành lập luôn hoạt động tích cực và hiệu quả như Câu lạc bộ Hán Nôm, Sinh vật cảnh, Cầu lông, Cờ, Bóng chuyền, Tổ tôm điếm, Câu lạc bộ Quan họ ở thôn… Trong đó thôn Nghi Khúc và thôn Chợ đã được tỉnh công nhận là “Làng Quan họ thực hành” từ năm 2019 do Câu lạc bộ Quan họ của thôn hoạt động tích cực, lan tỏa phong trào học và hát dân ca Quan họ.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở xã An Bình còn gắn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”với nhiều hoạt động cụ thể khác như hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Kết nối yêu thương”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, hưởng ứng ngày “Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” 25/11, hưởng ứng phong trào hạn chế rác thải nhựa với mô hình “Đi chợ bằng làn”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục và Đào tạo; phong trào “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”... Năm 2010 An Bình là xã điểm của tỉnh xây dựng nông thôn mới và về đích năm 2014, được Chính phủ tặng Bằng khen. Từ năm 2015- 2020 xã An Bình tiếp tục phấn đấu xã nông thôn mới nâng cao, đã lập dự toán và tổ chức thi công 25 công trình với tổng trị giá đầu tư 107 tỉ đồng.
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở xã An Bình có tác động thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, chú trọng phát triển các phong trào xây dựng gia đình, thôn văn hoá; xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; xây dựng cơ quan văn hoá; học tập, lao động sáng tạo; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại..., từ đó luôn giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển.
Với thành tích đó, xã An Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020.

Phạm Thuận Thành (Thường Vũ , An Bình, Thuận Thành)