Đối đầu thách thức, quyết thắng “giặc” COVID

24/02/2021 16:58 Số lượt xem: 1637
Cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Y tế Bắc Ninh đã và đang trải qua những ngày chiến đấu cam go với “giặc” COVID-19. Không thống kê nào mô tả đủ những hy sinh, cống hiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để người dân có được một cái Tết an toàn.

Lực lượng y tế nguyện đem hết sức mình cống hiến cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.


Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay là lần thứ 2 kỷ niệm không hoa, không tổ chức sự kiện và gần 5.000 cán bộ ngành Y tế toàn tỉnh ở nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng chung một quyết tâm chiến thắng đại dịch. Phóng viên Báo Bắc Ninh có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ, Bác sĩ CKII Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế về câu chuyện chạy đua khống chế COVID-19.
Phóng viên: Kể từ thời điểm COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1 năm 2020, đến nay sau hơn 1 năm “tuyên chiến” với đại dịch, có thể phác thảo bức tranh y tế Bắc Ninh như thế nào, thưa bà?
Bà Tô Thị Mai Hoa: Là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều làng nghề, sự giao lưu thương mại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, lây lan luôn tiềm ẩn. Bởi lẽ đó, trong cuộc chiến chống “giặc” COVID, chúng tôi khẳng định phải tập trung cao độ, vì dù trải qua bất kỳ giai đoạn nào của dịch, ngành Y tế đều tận tâm, tận lực với mục tiêu lớn nhất là sớm khoanh vùng, dập dịch.
Ngay khi dịch COVID-19 mới xâm nhập vào Việt Nam hồi tháng 1-2020, để chủ động phát hiện, ngăn chặn nguồn lây lan của dịch bệnh, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch, thường xuyên điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Với lực lượng hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế căng mình chống dịch ở tất cả các tuyến, thời gian qua thực sự là chặng đường nhiều thách thức. Tuy nhiên, phát huy tinh thần đoàn kết, tiên phong của người “chiến sỹ áo trắng”, toàn ngành không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đương đầu thử thách và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp với số người mắc, số người tử vong tăng mỗi ngày trên toàn cầu. Nhìn lại công tác phòng, chống dịch 400 ngày qua có thể khẳng định trải qua nhiều đợt dịch với tính chất khác nhau, chúng ta đã và đang tiếp tục có những ứng phó phù hợp nhằm nhanh chóng khống chế các ổ dịch, kiểm soát tình hình để cuộc sống của người dân sớm trở lại nhịp điệu thường ngày.
Phóng viên: Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngành Y tế là đơn vị “đứng mũi chịu sào” về chuyên môn với đòi hỏi phải đáp ứng tốt cả y tế dự phòng, năng lực điều trị và xét nghiệm. Ngành đã nỗ lực những gì để bảo đảm toàn diện các yêu cầu chống dịch, thưa bà?
Bà Tô Thị Mai Hoa: COVID-19 không phải là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đầu tiên ngành Y tế phải chống đỡ. Gần đây nhất có thể kể đến dịch SARS, Ebola, MERS-CoV, Tay - Chân - Miệng, Sởi… Tuy nhiên, với mỗi loại dịch bệnh có tính chất khác nhau, yêu cầu ứng phó cũng buộc phải khác biệt.
Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, để chống lại một loại dịch bệnh nguy hiểm, thực tiễn đòi hỏi và đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Ngành Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, song chúng tôi trân trọng sự đồng hành và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của hai lực lượng chủ lực là Quân đội và Công an dù ở bất cứ giai đoạn chống dịch nào.
Đại dịch COVID-19 là dịch bệnh mới, lây qua đường hô hấp, thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, do đó các biện pháp phòng ngừa không giống với các dịch bệnh khác, đương nhiên yêu cầu về điều trị và xét nghiệm cũng hoàn toàn mới.
Để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ngành Y tế kịp thời bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị y tế. Với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cấp từ việc chỉ thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho đến đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán xác định SARS-CoV-2. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, Bệnh viện Phổi tỉnh và các Trung tâm Y tế có giường bệnh phải đáp ứng đủ năng lực cách ly y tế, điều trị các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, sẵn sàng năng lực đáp ứng với tình huống có ca bệnh nặng, hoặc dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Các bệnh viện dã chiến cùng nhiều phương án về nhân lực, vật lực đủ đáp ứng cho các tình huống dịch, kể cả trường hợp dịch bùng phát và lây lan rộng trong cộng đồng được ngành chuẩn bị.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “4 tại chỗ”, ngành Y tế Bắc Ninh luôn hành động để phát hiện ca bệnh sớm nhất, thần tốc truy vết và khoanh vùng, quyết tâm không để dịch lây lan diện rộng. Bài học kinh nghiệm về việc truy vết thần tốc được chúng tôi quán triệt và phát huy hiệu quả từ bệnh nhân 262 là công nhân của Samsung Display Việt Nam cho đến chùm 3 ca bệnh là thành viên trong 1 gia đình ở Lâm Thao, Lương Tài cũng như các trường hợp có tiếp xúc liên quan bởi chỉ khi sớm khoanh vùng chính xác, việc dập dịch mới triệt để.

 

Bà Tô Thị Mai Hoa “Tôi xin phác thảo vài con số để mọi người có thể hình dung về khối lượng công việc mà cán bộ y tế đảm đương trong thời gian qua: Tính đến ngày 22-2, đã thực hiện lấy 51.233 mẫu xét nghiệm SARS - CoV-2, trong đó 24.022 mẫu cho các chuyên gia nhập cảnh, 4.123 mẫu cho người trở về từ vùng dịch, 2.305 mẫu xét nghiệm tại các cơ sở y tế, 2.875 mẫu tại cộng đồng và 17.908 mẫu xét nghiệm diện rộng sàng lọc COVID-19. Tổ chức tốt công tác quản lý, giám sát, cách ly y tế với tổng số 38.906 người được cách ly y tế, trong đó cách ly tại các cơ sở y tế là 887 người, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là 2.255 người, cách ly tại khách sạn (chuyên gia nhập cảnh) 12.305 người và 23.459 người cách ly tại nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, đã điều trị khỏi cho 10 bệnh nhân mắc COVID-19, hiện còn 3 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị và kết quả khả quan (kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính)”.


Phóng viên: Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cách ly tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh. Bà có thể cho biết hiệu quả của biện pháp này đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh?
Bà Tô Thị Mai Hoa: Ở các giai đoạn chống dịch khác nhau, các biện pháp ứng phó về chuyên môn của ngành đều có sự điều chỉnh để thích nghi và đạt hiệu quả cao nhất. Việc kiểm soát tốt COVID-19 từ nguồn nhập cảnh trong thời gian qua là minh chứng sống động nhất cho hiệu quả của chủ trương cách ly tập trung đối tượng này.
Bắc Ninh có nhiều KCN tập trung với hàng trăm doanh nghiệp FDI, số lượng chuyên gia, lao động kỹ thuật sinh sống và làm việc rất lớn. Nếu như coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến thì COVID nhập cảnh được coi là “giặc ngoài” và COVID lây trong cộng đồng được gọi là “thù trong” và muốn chiến thắng đại dịch, cần thiết phải chiến thắng cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”. Nói vui vậy để thấy rằng nguồn lây dịch bệnh dù từ đâu cũng đều đe doạ đến sự an toàn về sức khoẻ và tính mạng đối với người dân.
Trở lại câu chuyện chặn nguồn lây nhập cảnh, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy trình cách ly người nhập cảnh nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ và tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người nhập cảnh. Trong năm 2020, kịp thời phát hiện 8 trường hợp dương tính đều từ nguồn nhập cảnh và đã được cách ly tập trung. Với quy trình quản lý, giám sát nghiêm ngặt đã không để dịch lây từ nguồn này ra cộng đồng và lây chéo trong cơ sở cách ly tập trung.
Phóng viên: Từ bức tranh chống dịch, trong đó có sự hy sinh thầm lặng của hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành Y tế Bắc Ninh, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay, bà có điều gì muốn nhắn nhủ tới các đồng nghiệp?
Bà Tô Thị Mai Hoa: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm 2020, ngành Y tế cả nước dừng tất cả các hoạt động vinh danh để tập trung chống dịch COVID-19. Thêm một lần nữa, đúng dịp kỷ niệm ý nghĩa năm nay, ngành Y tế cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực để bảo vệ thành quả, thành trì chống dịch mà các cấp, các ngành đã phải rất vất vả, gian nan mới có được.
Đứng ở những vị trí nguy hiểm nhất trong cuộc chiến đương đầu với dịch bệnh, cán bộ y tế đã chấp nhận hy sinh niềm vui được tôn vinh trong ngày truyền thống của ngành để góp phần mang lại sự an toàn cho người dân. Các anh, chị cán bộ, nhân viên y tế hãy tự hào với lựa chọn nghề nghiệp của mình, bởi đã hai năm nay, ngày 27-2  không hoa, không lễ kỷ niệm, song sự quý trọng, tôn vinh của người dân chính là món quà tinh thần vô giá cổ vũ chúng ta tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!

Việt Hoa (thực hiện)