Đọc sách để làm gì?

19/04/2021 21:41 Số lượt xem: 741
Con người có bắt buộc phải đọc sách không? Đọc sách để làm gì? Tại sao nhất thiết phải là sách trong khi có vô số phương tiện hiện đại vừa tiện ích vừa thông minh luôn sẵn sàng hỗ trợ quá trình trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân?

Muốn trả lời cặn kẽ câu hỏi này sẽ tốn nhiều giấy mực. Song có một học giả từng nói thế này: “Con người khác con vật ở chỗ chúng ta có thể dùng những công cụ như cái que, cái sào, cái cung để nối dài tay của mình. Con người còn có thể làm kính viễn vọng để nối dài mắt của mình. Nhưng có một công cụ không phải là sự nối dài tay, chân hay các giác quan trên cơ thể mà là nối dài cảm xúc, nối dài kí ức của con người, đó chính là sách”.

Tạo môi trường và hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
   
Sách là một công cụ kì diệu của loài người. Đọc sách, kí ức của ta lan tỏa về quá khứ, dự phóng tới tương lai. Đọc sách ta có thể biết được cảm xúc của người khác, biến cảm xúc người khác thành cảm xúc của chính mình. Và trên hết, sách nối dài cuộc sống của mỗi người.
Ví như, nếu không có sách, người đương thời không thể biết Đức Phật là ai, là đàn ông hay đàn bà, ngài vốn là con người trần tục hay là thần thánh? Bản sắc của Phật pháp là các cảnh giới tâm linh an lạc giải thoát và không liên quan đến văn tự, rời lìa văn tự vì sợ chúng sinh chấp vào văn tự mà không được giải thoát. Thế nhưng, khi Đức Phật viên tịch, đệ tử cùng thời đã ghi chép lời Phật dạy, tập hợp lại thành kinh sách để người học đạo đời sau có phương tiện để tu tập.
Nhờ có kinh sách mà chúng ta biết Đức Phật là hoàng tử Tất Đạt Đa của vương quốc Ca Tỳ La Vệ ở một vùng đất của Ấn Độ cổ đại, nay thuộc nước Nepal. Ngài đã dũng cảm rời bỏ nhung lụa nơi hoàng cung, trải qua hành trình khổ ải tìm kiếm sự giác ngộ, cuối cùng thấy được chân lý vũ trụ và truyền bá Phật Pháp. Nhờ có sách mà chúng ta biết con đường tu tập, hiểu được tinh thần, tư tưởng của Phật.
Như thế, nghĩa là sách giúp chúng ta chiến thắng được sự hạn chế về thời gian, không gian và cả sự hạn chế tất yếu trong đời sống của mình. Vậy thì con người có nhất thiết phải đọc sách không? Có cách nào khác ngoài đọc sách không? Nhiều người không đọc sách họ vẫn sống bình thường đó thôi!
 Tất nhiên có nhiều cách để sống, nếu ai đó tự tin với trải nghiệm ngoài đời sống thì có lẽ không cần sách cũng được và không đọc sách cũng chẳng sao. Nhưng nếu bỏ qua một “công cụ toàn năng” như sách thì quả thật là đáng tiếc vô cùng. Cổ vũ tình yêu sách, khuyến đọc, không ngừng mở rộng cộng đồng đọc cũng vì lẽ đó.
Xã hội hiện đại, có rất nhiều rào cản gây áp lực cho môi trường đọc sách. Thực tế ai cũng nhận thấy là điện thoại thông minh, internet, truyền hình... đều là phương tiện điển hình hấp dẫn thị hiếu con người. Vậy còn đâu khoảng trống êm ả nào để trí óc được thư nhàn, chầm chậm đọc sách!
Một bức tường khác lớn hơn ngăn chúng ta đến với sách đó là thời gian. Cuộc sống bộn bề lo toan, bận rộn nên thiếu thời gian dành cho sách cũng luôn là lý do dễ hiểu, dễ được chia sẻ. Thậm chí có những người rất yêu quý sách, dành thời gian đọc hàng ngày, có định hướng đọc một cách tử tế, rõ ràng nhưng vẫn gặp đầy khó khăn, trở ngại. Bởi kiến thức rộng lớn vô biên, chọn sao cho được “ngọc” để đọc và đọc như thế nào để không lụy sách, không trở thành nô lệ của sách?
Maxim Gorky từng nói “Sách mang đến cho chúng ta những chân trời mới”, song chân trời ấy có cả màu hồng, màu xám và màu đen. Thế nên nếu không biết quy hoạch sự đọc thì rất có thể chúng ta sẽ bị dẫn đến những con đường lầm lỡ. Hơn nữa, đến một giai đoạn nào đó của sự đọc, chúng ta sẽ nhận ra, càng đọc càng thấy mình ngu muội, càng đọc càng thấy bơ vơ, cô đơn giữa đại dương tri thức mênh mông…
Vậy phải quy hoạch sự đọc thế nào đây? Thực tế, khi thực sự yêu, thực sự muốn thì nhất định sẽ có cách. Giống như yêu một ai đó, dù bận rộn đến mấy chúng ta vẫn sắp xếp được thời gian để gặp nhau. Với sách cũng vậy, mỗi ngày chỉ cần dành 30 phút để đọc, có thể dậy sớm hơn hoặc bớt thời gian lướt facebook đi một chút là có thể tiếp cận nhiều kiến thức, trải nghiệm nhiều cảm xúc cùng sách... Để rèn luyện một thói quen tốt không chỉ cần thời gian mà cả sự quyết tâm, kiên trì khổ luyện. Đọc sách không chỉ có sự thích thú, mê say hay cảm giác thỏa mãn mà đó là một “hành trình gian nan vạn dặm”. Cứ đọc sách đi, rồi mỗi người sẽ tự trả lời được câu hỏi “đọc sách để làm gì?”.

Thanh Lâm