Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến vào 2 Dự án Luật

17/09/2019 16:46 Số lượt xem: 2469
Chiều 17-9, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào 2 Dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Xuân Thu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các cơ quan liên quan của tỉnh, đại diện một số đơn vị cấp huyện.

Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh: Đây là các Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ Bẩy, có liên quan mật thiết đến việc tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền và đội ngũ công chức, viên chức. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn để đóng góp các ý kiến chất lượng nhằm giúp Quốc hội có thêm căn cứ xem xét thông qua các dự án Luật tại kỳ họp sắp tới đạt chất lượng cao nhất.

 Các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết của 2 Dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương và công chức, viên chức; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trên, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Đảng. Cơ bản nhất trí với nội dung của các Dự thảo Luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, các ý kiến tập trung vào nội dung về: Kiểm định chất lượng đầu vào công chức; đánh giá công chức; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới; chính sách đối với người có tài năng; xử lí kỷ luật đối với viên chức; quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức;...

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các ý kiến tập trung vào nội dung về: Tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND; số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh; trình tự, thủ tục bầu thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương...

Về thủ tục, trình tự bầu thành viên UBND, có ý kiến cho rằng Luật hiện hành chưa quy định rõ, dẫn đến việc các địa phương tổ chức thực thi thiếu thống nhất. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung một khoản vào Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, quy định thủ tục, trình tự bầu Ủy viên UBND cấp huyện, cấp tỉnh để bảo đảm thực quyền và nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm soát quyền lực của HĐND. Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và Phó trưởng Ban HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đề xuất nên giữ nguyên như hiện hành để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách thì có thể giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trưởng Ban của HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách thì có thể giảm 1 Phó trưởng Ban HĐND tỉnh.

Ý kiến của các đại biểu được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tập hợp gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ xem xét, hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội tại kì họp thứ Tám.

Tin, ảnh: Thanh Hương