“Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”

12/04/2019 08:44 Số lượt xem: 1345
Đó là chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra trong phạm vi toàn quốc, trong đó có tỉnh Bắc Ninh từ ngày 15-4 đến 15-5 năm nay. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe, người tiêu dùng hãy nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng là ý nghĩa xuyên suốt đợt cao điểm bảo đảm ATTP năm nay.


Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền các cấp ở địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATTP. Công tác thông tin truyền thông về ATTP được đẩy mạnh góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại một số địa phương trong cả nước, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về ATTP” và một số tội danh khác có liên quan đến ATTP: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người… Những con số đó phản ánh thực trạng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa sự an toàn sức khỏe, tính mạng của mỗi người dân.
Tại Bắc Ninh, năm 2018, toàn tỉnh thành lập 299 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó 29 đoàn tuyến tỉnh, 270 đoàn tuyến huyện, xã. Kết quả, có 1.688 cơ sở được thanh, kiểm tra, trong đó: 1.129 cơ sở đạt (chiếm 67%). Tiến hành xử lý xử phạt vi phạm hành chính 187 cơ sở vi phạm, trong đó: Ban Quản lý ATTP phạt tiền 107 cơ sở với số tiền phạt hơn 309 triệu đồng, chuyển cơ quan Quản lý thị trường xử lý 22 cơ sở với số tiền phạt hơn 134 triệu đồng; cảnh cáo 58 cơ sở, nhắc nhở 372 cơ sở; tạm dừng hoạt động 2 cơ sở, 3 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 17 sản phẩm, 2 sản phẩm có nhãn phải khắc phục.
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, có 2.437 cơ sở được thanh kiểm tra, trong đó 1.678 cơ sở đạt (chiếm 69%). Xử lý xử phạt vi phạm hành chính 39 cơ sở, phạt tiền tổng số hơn 176 triệu đồng, nhắc nhở 720 cơ sở; tạm dừng hoạt động 5 cơ sở, đình chỉ lưu hành sản phẩm 1 sản phẩm của 1 cơ sở.
Về công tác hậu kiểm, cơ quan chuyên môn lấy 84 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm sau công bố, trong đó 62 mẫu đạt (chiếm 73,8%), 22 mẫu không đạt (chiếm 26,2%). Các mẫu không đạt chủ yếu là các thực phẩm: Nước uống tinh khiết, đá dùng liền; chỉ tiêu không đạt chủ yếu là vi sinh vật. Các thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn đã bị tiêu hủy, thu hồi, các cơ sở đã bị xử lý theo quy định.
Năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-BCĐLNATTP ngày 15-3-2019 về việc triển khai Tháng Hành động ATTP năm 2019 với các mục tiêu: Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, bảo đảm chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm và trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm đối với các sản phẩm thực phẩm. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Theo ông Trần Ngọc Thực, Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh, để công tác bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đạt kết quả tốt, các hoạt động cần gắn với các tiêu chí: Các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi hành vi của người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các địa phương việc thực hiện 3 không gồm: Không sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn; không vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc; không sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không có trong danh mục cho phép. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tham gia vào việc buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng và các hành vi vi phạm về ATTP. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP. Giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2019 và duy trì cho đến cuối năm. Các cơ sở, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức thực hành về ATTP và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Việt Hoa