“Nhân lực trình độ quốc tế”

03/10/2019 08:51 Số lượt xem: 484
Nhân bàn về những cảnh báo robot sẽ “cướp” việc làm của con người và việc di chuyển, dịch chuyển lao động giữa các nước trong quá trình hội nhập là một trong những thực tế phải đối mặt.

Anh Phong, nhân viên sàn giao dịch việc làm lo ngại: “Được đánh giá cao là địa phương năng động, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế đã hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng chất lượng lao động chưa đạt chuẩn quốc tế, nếu không có những giải pháp căn cơ Bắc Ninh sẽ phải đối diện những thách thức lớn liên quan đến cạnh tranh lao động quốc tế và mất cơ hội việc làm ngay trên sân nhà”.
Vừa tham dự một hội thảo về lao động, anh Cường, cán bộ quản lý ở một ngành cấp tỉnh thông tin: Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là bài toán đặt ra với tỉnh ta mà đó là mối lo ngại chung của nhiều địa phương khác. Khi hội nhập sâu rộng chúng ta buộc phải gia nhập thị trường lao động thế giới, không chỉ phải đối mặt với vấn đề robot “cướp” việc làm, mà còn phải cạnh tranh với sự dịch chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Các chuyên gia còn cảnh báo có tới 2/3 lao động của Việt Nam dễ bị tổn thương trong sự biến đổi của công nghệ liên quan tới robot hóa, tự động hóa và internet vạn vật.

Vậy khả năng của nguồn nhân lực của Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc tham gia thị trường lao động quốc tế đạt ở mức độ nào? Ông An chủ một doanh nghiệp hỏi anh Cường?
Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã và đang có những động thái để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chủ động gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Đơn cử như Samsung đã chủ động phối hợp với tỉnh đào tạo các chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ cho địa phương, để vận dụng vào sản xuất và cung cấp linh kiện cho họ. Đó cũng là giải pháp tốt để giải quyết được những nhu cầu về chất lượng cũng như năng suất lao động theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Cường nói.
Chưa hài lòng với cách lập luận của anh Cường, ông An đưa thêm các dữ liệu: Nước ta đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt với CPTPP, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đào tạo nhân lực phải đạt trình độ quốc tế. Nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi tham gia các FTA thì sẽ gặp những rủi ro trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo tôi, để đào tạo được lực lượng lao động chuẩn toàn cầu, cần tập trung giải quyết bài toán nâng cao chất lượng đào tạo trình độ quốc tế từ bậc mầm non đến đại học. Bởi, “nhân lực trình độ quốc tế” đòi hỏi phải được đào tạo toàn diện, có kiến thức hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và kỹ năng ngoại ngữ. Có gắn kết với doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế, tinh thần tự học, tự học tập suốt đời và cuối cùng là tinh thần khởi nghiệp. Bởi nếu không có nhân lực chất lượng cao thì rất khó hội nhập thành công. Anh Phong khẳng định.

Thái Uyên