“Người truyền lửa”

24/06/2019 15:58 Số lượt xem: 1093
Tôi may mắn được gặp nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (phóng viên điều tra của báo Lao Động) trong một lần tham dự khóa tập huấn của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Việt Nam. Trái với những suy nghĩ ban đầu về một người quá bận rộn và ở “một tầm cao” khác, anh làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác chỉ bằng những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm trên các chuyến đi của mình đã lan tỏa tinh thần, truyền cảm hứng cho mọi người về lối sống tích cực, nhân văn.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và bà Triệu Mùi Chài-nhân vật trong tác phẩm “Sơn nữ mặt quỷ”  (Nhờ bài viết của anh, bà Chài đã được phẫu thuật bỏ khối u 20 năm trên mặt và hơn 400 triệu đồng ủng hộ, hạnh phúc trở về với bản làng và người thân).

Tôi biết Đỗ Doãn Hoàng khi còn là sinh viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc tôi đang mơ hồ, loay hoay với những suy nghĩ về nghề nghiệp mình chọn, anh đã là một cây Phóng sự điều tra nổi tiếng khi lần lượt cho ra mắt các tập phóng sự xã hội “Trần gian còn một thứ nghề” (năm 2000), Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha (năm 2003), Người đàn bà tử tế (năm 2005), “Nến cong và lửa thẳng” (năm 2005); Những thây người mang hình dấu hỏi (năm 2006), Săn Cave (2006)... Anh từng nhiều lần đạt Giải báo chí Quốc gia và hàng chục giải thưởng báo chí, văn chương khác, được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra chống lại nạn giết hại, buôn bán động vật hoang dã.

Sau 25 năm theo đuổi đam mê với nghề, anh cho ra mắt 27 đầu sách (gồm truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, ghi chép, bút ký, phóng sự điều tra)... Khi gặp lại, cũng đúng dịp anh cho ra mắt 3 cuốn sách mới “Búi thông thơ dại” (Truyện dài), “Ở lại với ngàn sao” (Du ký), “Trong tận cùng hang ổ” (Phóng sự điều tra). Đây là 3 tác phẩm đại diện cho 3 lối tư duy sáng tạo, tái hiện lại chặng đường của anh từ xứ Đoài (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) bước ra thế giới.
Là một “hiện tượng” trong làng Báo, ở Đỗ Doãn Hoàng có một bút lực dồi dào, một năng lượng, tài năng với niềm say mê đi và viết hiếm có, một cái nhìn đầy nhân văn và trách nhiệm trước hiện thực cuộc sống. Người ta có cảm giác, anh luôn ở trong các chuyến đi. Đi miệt mài, viết miệt mài. Tác phẩm nào cũng là những trăn trở, được anh viết như trút gan ruột từ những tư liệu ngồn ngộn và “thực sự làm nhức buốt lương tâm người tử tế”.
Bạn đọc chắc hẳn chưa quên những vụ việc chấn động xã hội về thực phẩm bẩn như “Làng thịt thối”, “Làng rượu độc”, “Kinh hoàng mắm tôm bẩn” hay “Những con quỷ ấu dâm ngoại quốc”, “Sự thật kinh hoàng bên trong bệnh viện” hay “Cuộc chiến” nghẹt thở đòi lại biên chế cho 80 cô giáo ở Yên Bái”... Tất cả đều được anh phơi bày với lối viết linh hoạt, ấn tượng và hết sức thuyết phục. Những vấn đề gai góc, dưới ngòi bút của Đỗ Doãn Hoàng, như một quả bộc phá, phá tan những rào cản, những nghi ngại, mang lại niềm tin, sự kỳ vọng vào một ngày “công lý sẽ được thực thi”. Nó tha thiết, ám ảnh tất cả mọi người, thôi thúc người ta phải lên tiếng, bày tỏ thái độ và làm điều gì đó cho phải với lương tâm. Sau mỗi bài viết, người ta chờ đợi những hồi âm đích đáng, những công văn hỏa tốc hay quyết định chỉ đạo trực tiếp từ các cơ quan chức năng. Nhờ đó, hiện thực được thay đổi tích cực, những bất cập của một số Luật đã được sửa và quan trọng hơn, sự minh bạch được thượng tôn.
Đỗ Doãn Hoàng được nhận xét là: làm việc bằng kỹ năng của một nhà báo sắc sảo nhưng cũng hành động như một sỹ quan an ninh điều tra giàu kinh nghiệm. Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Anh được những người bị nạn, người oan ức, người nghèo và bạn đọc tin cậy, nể phục. Họ trông mong vào anh để giải nỗi oan, để đi tìm lại công lý, để thay đổi lại số phận. Anh tư duy và hành động không chỉ bằng phẩm chất của một nhà báo giàu bản lĩnh, thấy bất bằng chẳng tha, mà còn là một nhà văn với trái tim nhân ái muốn cúi xuống và biết cúi xuống nâng đỡ các thân phận yếu ớt, nhỏ bé cay đắng không có khả năng phòng vệ trước sức mạnh của cái ác”.
Trong buổi gặp gỡ, trao đổi về nghề nghiệp, anh kể cho chúng tôi nghe về những lần tác nghiệp, những kinh nghiệm quý báu, từ lúc “nghiên cứu”, “trinh sát”, “hóa trang” đến khi “nhập cuộc”, “giải vây”. Từ những lần đi đến tận cùng của những tham vọng phiêu lưu, khi đi bộ nhiều ngày, đi xe ôm, kỳ công và mạo hiểm để vào hang ổ của các trùm ma túy ở miền Tây xứ Nghệ; lần dấn thân trong chuyên án đánh ma túy khổng lồ ở Mường Khương (Lào Cai) hay khi dấn thân vào những miền hoang thẳm và xa ngái bậc nhất địa cầu. Đi đến tận cùng xa xôi và chứng kiến những khốc hại đó, anh đã cùng mọi người nhóm nhau lại trong Hội Nhà báo Môi trường để giữ gìn thiên nhiên xứ sở... Có lẽ đó là cách truyền cảm hứng cho mọi người về lối sống tích cực, nhân văn của một nhà báo tài năng, chân chính.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thích khám phá những miền đất xa lạ và gặp gỡ những người bạn quý.

Điểm nổi bật trong tất cả những bài viết của Đỗ Doãn Hoàng là tính nhân văn cao cả. Với sự thông minh, nhạy bén, lại có tâm hồn luôn động lòng trắc ẩn, những vấn đề gai góc hay nhạy cảm đều được anh lôi ra ánh sáng với một tinh thần nhân văn sâu sắc. Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: Đứng trước quyết định cho số phận một bài viết, tôi đều tự hỏi, khi sự việc được phanh phui, sẽ được gì và mất gì? Thời gian qua, vấn đề “thực phẩm bẩn”, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành chủ đề bức xúc, nóng bỏng từ mọi ngõ xóm đến nghị trường. Như vụ “Kinh hoàng mắm tôm bẩn” núp bóng “Đặc sản Hậu Lộc” bán hàng tấn mỗi tuần. “Đây là một vấn đề nhạy cảm, ngay cả khi một vài cơ sở làm bẩn, làm ẩu, nhưng nếu không rành mạch, dễ bị rơi vào xu hướng “vơ đũa cả nắm”, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như thương hiệu quý có từ lâu đời của cư dân miền biển xứ Thanh... Dù đã có những sự cố trong quá trình điều tra, công bố, có cả những bài học đắt giá, nhưng may thay, điều đó vẫn không làm chúng tôi phải thất bại trong cuộc chiến chống lại những kẻ đầu độc đồng loại, làm suy giảm giống nòi.

Đỗ Doãn Hoàng viết như hơi thở, như cơm ăn nước uống hằng ngày. Anh viết báo, vì khát vọng tuổi trẻ và vì danh dự người cầm bút: Tôi thích làm điều gì đó có ích cho xã hội để tuổi trẻ của mình trôi đi không quá vô lý, nhưng đồng thời, tôi cũng thích tận hưởng cuộc sống. Một ly trà ngon, đến một đất nước xa lạ, đẹp đẽ và gặp được những người bạn quý thì với tôi đó là hạnh phúc vô ngần... “Hơn 12 con giáp gắn bó với báo Lao Động và mảng phóng sự”, đôi lúc tôi tự hỏi, nghề viết sẽ đưa mình đến đâu? Và bất chấp xông pha vào những “hang ổ”, những miền đất “tận cùng” đó, có gì mà hấp dẫn mình lâu đến thế? Trang viết cũng như cuộc đời, nó luôn thắp lên trong người ta cái khát vọng được đi đến tận cùng của cảm xúc và sự chứng thực. Dẫu phải đánh đổi đi nữa. Đến một ngày tôi nhận ra vẻ đẹp và sự mê dụ của những chuyến đi như thế. Nó giống như sự hiếu thắng rất Người, nó giống như những khát vọng kiêu hùng của tuổi trẻ. Nó còn là nghề và nghiệp”...

Thu Huyền