Định hình thương hiệu “Về miền Quan họ” trên bản đồ du lịch Việt Nam

01/07/2020 20:39 Số lượt xem: 3304
Bằng các chương trình kế hoạch và hành động cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, Bắc Ninh đã và đang dần đánh thức nguồn lực du lịch văn hóa, từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Chương trình “Về miền Quan họ” là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bắc Ninh dịp đầu xuân.

 

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9-7-1960 - 9-7-2020), đồng chí Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bắc Ninh về hành trình đánh thức tiềm năng, từng bước định hình thương hiệu “Về miền Quan họ” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

PV: Bắc Ninh là một tỉnh đồng bằng có diện tích nhỏ, vậy nếu để “khoe” với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch, thì theo đồng chí đâu là tài nguyên cốt lõi?
Đồng chí Nguyễn Văn Ảnh: Bắc Ninh không có rừng, không có biển và cũng chưa có nhiều các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng cái mà Bắc Ninh có là chiều sâu giá trị văn hóa của ngàn năm lịch sử vun bồi, của những di tích lịch sử, đình đền chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ. Những Đại tượng Phật A Di Đà, những tòa tháp bút nghiên, những đình chùa rêu phong trầm mặc... đã trở thành chốn linh thiêng tìm về của du khách bốn phương nhất là vào dịp lễ, tết. Sự nổi trội về văn hóa là yếu tố bền vững hấp dẫn du khách và trở thành “thỏi nam châm” cuốn hút du khách đến Bắc Ninh khám phá.
Là một tỉnh đồng bằng có diện tích nhỏ nhất nước song cái chiều kích hạn hẹp của không gian địa giới hành chính hôm nay chưa bao giờ phản ánh đúng tầm vóc, sức ảnh hưởng của văn hóa Bắc Ninh. Cả Phật giáo và Nho giáo đều chọn Bắc Ninh là nơi cập bến đầu tiên khi vào Việt Nam. Chính sự cộng hưởng của văn hóa bản địa với sự giao thoa, tiếp biến linh hoạt đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ suốt ngàn năm. Và bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc là từ cái bề rộng văn hóa đã tạo nên những đỉnh cao với sự hòa quện giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, văn hóa làng xã...
Cái mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất hôm nay là hàng trăm di tích, di sản, hàng trăm lễ hội trải khắp từ bờ Bắc qua bờ Nam sông Đuống, từ đất Yên Phong qua miền Quế Võ đến Từ Sơn, Tiên Du sang Thuận Thành, Gia Bình... Từ lâu, kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú này đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế.
PV: Như vậy, kho báu di sản văn hóa chính là “thỏi nam châm” hút khách và tạo ra lợi thế cho Bắc Ninh phát triển du lịch. Đồng chí có thể chia sẻ về hành trình đánh thức tiềm năng ấy?
Đồng chí Nguyễn Văn Ảnh: Hành trình hơn 23 năm qua, Bắc Ninh luôn gắn kết giữa bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nhiều cơ chế chính sách về bảo tồn di sản liên quan đến phát triển du lịch được ban hành như: Đề án “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2012”; “Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2030”... Bên cạnh đó, còn có nhiều chuyên đề về phát triển du lịch làng nghề, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trong hoạt động du lịch... Đặc biệt, việc sớm đề xuất đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành di sản văn hóa thế giới thực sự tạo ra một “cú hích” lớn cho dòng sản phẩm du lịch đặc sắc này.
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp hệ thống các di tích văn hóa và di tích lịch sử, tiêu biểu như: Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, chùa Dạm, chùa Phật Tích, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Đền thờ Lê Văn Thịnh, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ...
PV: Xin đồng chí cho biết những con số cụ thể chứng minh cho sự bài bản và đúng hướng của các chương trình hành động về du lịch của tỉnh thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Ảnh: Sự bứt phá của du lịch Bắc Ninh thời gian qua được chứng minh bằng các con số biết nói. Nếu như năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, tổng lượng khách đến Bắc Ninh chỉ vài nghìn lượt khách, doanh thu du lịch vài chục triệu đồng thì đến năm 2010, Bắc Ninh đã đón gần 200.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 126 tỷ đồng. Năm 2019, khách du lịch đến Bắc Ninh đạt 1,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng. Quy mô hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch phát triển nhanh chóng. Tính đến hết tháng 4-2020, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch là hơn 680, tăng gấp 27 lần năm 2001 và gấp gần 4 lần năm 2010. Chỉ trong 4 năm gần đây (2017 - 2020), nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín về Bắc Ninh đầu tư, hình thành nên chuỗi khách sạn cao cấp như: Vincom Bắc Ninh, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Le Indochina, Khách sạn Mandala; Khu nghỉ dưỡng Phoenix... góp phần thay đổi cảnh quan đô thị Bắc Ninh.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về năng lực hoạt động của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Văn Ảnh: Trong số hơn 680 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn có 32 đơn vị lữ hành, kinh doanh sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch; 648 cơ sở lưu trú du lịch. Tổng giá trị vốn đầu tư lũy kế đến tháng 4-2020 đạt 8,4 ngàn tỷ đồng (gấp 7,6 lần so với năm 2010 và 13,7 lần so với năm 2001). Năng lực cung ứng phòng lưu trú là 8.750 phòng; 10.988 giường, trong đó gần 1.000 giường thuộc các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao.
Nguồn nhân lực hoạt động du lịch ngày càng đông. Hiện nay, ngành du lịch Bắc Ninh đang giải quyết và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.700 lao động trực tiếp, khoảng 12.000 lao động gián tiếp (tăng gấp 10,3 lần so với năm 2001 và 4,2 lần so với năm 2010). Cơ cấu trình độ chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ lệ lao động phổ thông sang lao động có trình độ đào tạo chuyên môn. Hiện tại cơ cấu trình độ lao động du lịch Bắc Ninh tỷ lệ là 3-5-2 (30% có trình độ đại học và trên đại học, 50% trình độ cao đẳng và trung cấp, còn lại là các lao động phổ thông).
PV: Hành trình sắp tới có cả thời cơ và thách thức mới, vậy ngành du lịch tỉnh đã định hướng gì cho chặng đường tiếp theo?
Đồng chí Nguyễn Văn Ảnh:  Chúng tôi luôn kỳ vọng và tin tưởng “Về miền Quan họ” sẽ là một thương hiệu nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì vậy, để tiếp tục khai thác và phát huy tốt tiềm năng di sản văn hóa ngàn năm, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch đang tập trung hướng đến hoàn thiện những dòng sản phẩm mới có tính đặc thù cao để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị khi đến với Bắc Ninh.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Lâm (thực hiện)