“Điều trị ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”

03/06/2020 20:31 Số lượt xem: 1777
Với thông điệp chủ đề ngắn gọn, dễ hiểu đó, Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 nhằm đẩy mạnh truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao cần được tư vấn, nâng cao hiểu biết về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh lũy tích 2.028 người nhiễm HIV, trong đó 1.239 bệnh nhân AIDS, đã có 1.067 người tử vong do AIDS. Hiện nay, số bệnh nhân nhiễm HIV còn sống là 961 người, trong đó số còn sống và đang được quản lý tại địa phương là 847 người, nữ chiếm 43,7%. Riêng trong 4 tháng đầu năm, có 14 trường hợp nhiễm mới, 6 ca tử vong. Điều đó có nghĩa là, HIV/AIDS vẫn tiếp tục có nguy cơ lây nhiễm nếu các đối tượng nguy cơ cao không thực tốt các biện pháp phòng tránh. Hiển nhiên, nếu những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị nhiễm HIV, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con luôn tiềm ẩn.

Kể từ năm 2009, chiến dịch Quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 11 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 điểm duy nhất cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện tại bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, còn lại là cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển tiếp. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh thực hiện tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 7,3 nghìn phụ nữ đến khám thai và đẻ tại các cơ sở y tế. Có 5 phụ nữ được điều trị ARV, 5 trẻ (100%) đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV.
Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 nhằm hướng tới mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế (hoặc dưới ngưỡng phát hiện) để bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con… vừa được coi là mục tiêu, cũng là giải pháp quan trọng để “cán đích”: Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.
 Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV nếu không can thiệp gì thì có tới 30-40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp thì trong 100 trẻ ấy chỉ còn khoảng từ 3-5 trẻ bị nhiễm HIV, thậm chí còn thấp hơn nữa... Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời bởi nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.

Thuỳ Vy