Điều nên tiết kiệm

26/09/2019 08:01 Số lượt xem: 648
Đêm đã khuya, hai bố con ông Giáo vẫn ngồi to nhỏ với nhau, bà Giáo lắng nghe nhưng câu được câu chăng, ông Giáo nói với thằng Danh, con trai cả của ông bà là “… nên tiết kiệm”. Bà nghĩ hai cha con bàn nhau sửa nhà, mua đất hay mua ô tô mà bà không biết. Từ trước đến nay mọi công to việc lớn trong nhà đều có sự tham gia đóng góp của bà, sao việc này lại kín kín, hở hở, có gì uẩn khúc chăng. Bà Giáo bật dậy bước đến ngồi cạnh ông Giáo hỏi: Hai bố con ông định làm gì mà lại giấu tôi à!

Có việc gì đâu! Hai bố con tôi ngồi tâm sự thôi, tôi lo bà mệt chứ bà ngồi cho ý kiến thì càng tốt. Chả là trưa nay ngồi nhậu với mấy anh em cơ quan, con trai bà khao chức Trưởng phòng vừa mới nhận, bà biết rồi còn gì.
Bà Giáo ngắt lời ông Giáo: Trưa nay chúng nó vui vẻ thế còn gì, tôi thấy ông cũng rất vui cơ mà?
Ông Giáo cười: vui chứ, nhưng vẫn còn nhiều điều phải nhắc con đấy, bà không để ý nên không biết, tôi đang tâm sự với con đây. Tôi cũng như bà rất mừng là con đã trưởng thành, nhưng vẫn lo độ chín chắn của nó. Mới lên chức Trưởng phòng mà nó đã hứa đủ điều với anh em: Nào là Tết này phải thưởng to, nào là cho anh em đi thăm quan trong nước, du lịch nước ngoài, nào là giúp đỡ người này, tạo điều kiện cho người kia, Phòng phải phát triển như thế này, thế nọ... Nói tóm lại là hứa nhiều quá, điều nên tránh thì con mình đang vấp phải.
Nhấp chén trà, ông Giáo nói tiếp: Lời hứa tuyệt đối không thể nói chơi. Giữ lời hứa là việc làm rất quan trọng để giữ chữ tín của mọi người đối với mình. Giữ lời hứa chính là tôn trọng mình, người ta gắn kết nhau và mất nhau cũng vì lời hứa. Tổn thương lớn nhất người ta nhận được từ lời nói chính là sự thất hứa. Tôi kể cho hai mẹ con chuyện “Quý Trát treo kiếm” của Trung Quốc: Quý Trát là con út của vua Ngô Thọ Mộng. Năm 544 trước Công nguyên, phụng mệnh vua, ông đi thăm nước Lỗ, khi đi ngang qua nước Tề, ông thấy dân chúng giầu có yên vui, qua đó ông biết vua nước Tề nổi tiếng nhân nghĩa. Ông nẩy ý muốn tới thăm vua nước Tề để thổ lộ lòng ngưỡng mộ của mình. Vua nước Tề đón tiếp ông nồng hậu và rất thích thanh bảo kếm của ông. Biết vậy nhưng ông còn phải mang thanh bảo kiếm đi sứ nước khác nên Quý Trát tự hứa trong lòng là “đợi lúc đi nước Lỗ về nhất định sẽ tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Tề”. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ quay về thì vua nước Tề đã tạ thế, Quý Trát vô cùng hối hận, ông cởi thanh bảo kiếm và tặng cho người thừa kế, đoàn tùy tùng ngăn cản vì bảo kiếm là báu vật quốc gia, không thể tùy tiện tặng cho người khác. Vua kế nhiệm nước Tề cũng không dám nhận vì không có di mệnh của người đã mất. Quý Trát liền treo thanh bảo kiếm lên cây liễu trước mộ của vua Tề. Hành động của ông khiến thần dân nước Tề ai ai cũng khen ngợi, Quý Trát đã giữ lời hứa với cả người đã mất, mặc dù lời hứa cũng chỉ tồn tại trong lòng ông chứ vua Tề cũng không hề hay biết.
Ông Giáo lại nhấp chén trà và nói tiếp: Trong cuộc sống ai cũng có lúc bị tổn thương vì một lời hứa dở dang. Vị trí trong xã hội càng cao thì sự tổn thương về sự thất hứa càng lớn, tổn thương lớn nhất đối với dân chúng và cấp dưới là lời hứa của lãnh đạo mà không thành hiện thực, nhiều việc hàng chục năm vẫn không  giải quyết dứt điểm. Nếu tôn trọng chính mình hãy nên giữ lời hứa. Phật dậy rằng: có hai thứ phải nên tiết kiệm đó là sức khỏe và lời hứa. 
Thằng Danh ngồi nghe ông Giáo nói như nuốt lấy từng lời và nghĩ về những lời hứa trong bữa tiệc trưa nay. Bà Giáo thở phào, quay sang con trai, bà thủ thỉ: Thôi con ạ, khôn đâu đến trẻ, nhận thấy sai để sửa là tốt đấy, nên tiết kiệm lời hứa con nhé… 

Trường Sinh