Đi đầu trong chuyển đổi số ngành Y

15/10/2021 21:01 Số lượt xem: 2226
Ngày 14-10, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh chính thức có tên trong danh sách các bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế). Với nỗ lực không ngừng nhằm mang đến những tiện ích vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sau một thời gian học hỏi các đơn vị đi trước, chuẩn bị chu đáo các điều kiện, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh trở thành đơn vị đầu tiên của ngành Y tế Bắc Ninh và thứ 18 trên tổng số khoảng 1.500 bệnh viện trong cả nước thực hiện “số hóa”.

Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống quản lí thông tin xét nghiệm (LIS) từ cuối năm 2019, tiếp theo đó, bệnh viện đưa vào áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)... Từ tháng 7 đến tháng 9-2021, đơn vị nâng cấp hệ thống, hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử. Tại chương trình thẩm định các điều kiện triển khai hệ thống CNTT của bệnh viện vào cuối tháng 9 vừa qua, Hội đồng chuyên môn do PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá đã đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đánh giá này, nhóm tiêu chí hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mức 7, nhóm tiêu chí HIS đạt mức 6, các nhóm tiêu chí quản lý điều hành, LIS, hệ thống PACS, nhóm tiêu chí phi chức năng, nhóm tiêu chí bảo mật an toàn thông tin và nhóm tiêu chí bệnh án điện tử (EMR) đều đạt mức nâng cao theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đối chiếu theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử và Thông tư 54 quy định về bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đạt mức 6/7 - mức gần cao nhất của tiêu chí “Bệnh viện thông minh”.

 

Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế Bắc Ninh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ảnh: Hệ thống PACS ưu điểm truyền tin nhanh và chính xác, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.

 

Nói về thực trạng của đơn vị trước khi triển khai bệnh án điện tử, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết: Hệ thống máy chủ tại Bệnh viện Sản - Nhi trước đây chạy độc lập, do đó không bảo đảm vận hành liên tục, hệ thống mạng Lan chậm, kém ổn định, trong khi đó hệ thống phần mềm mới chỉ có HIS, LIS, chưa liên thông được. Tại bệnh viện, bình quân mỗi năm phải bố trí khu vực kho để lưu trữ khoảng hơn 30 nghìn bệnh án giấy, dẫn đến nguy cơ không còn diện tích kho chứa. Bệnh án giấy viết tay, sẽ có trường hợp chữ xấu, khó đọc, ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin, triển khai bệnh án điện tử sẽ giảm thiểu sự cố rủi ro này. Trong khi đó, việc sử dụng túi giấy, phim X.quang, CT làm tăng chi phí và phát sinh chất thải nhựa, người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu để làm các thủ tục hành chính, do đó làm giảm mức độ hài lòng…
Những lợi ích toàn diện mà bệnh án điện tử mang lại đã chứng minh số hóa xứng đáng là xu thế toàn cầu. Khi bệnh án điện tử được triển khai trơn tru, đồng bộ, người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin sức khỏe đồng thời giảm thời gian chờ khám, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Đối với nhân viên y tế, việc truy cập trở nên nhanh chóng và chi tiết về dữ liệu hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị, giảm bớt sai sót chuyên môn thông qua các tính năng hỗ trợ ra quyết định, tinh giảm các quy trình làm việc lâm sàng, từ đó tiết kiệm thời gian. Trong công tác quản trị tại bệnh viện, việc chuyển đổi số sẽ góp phần cung cấp nguồn dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa hoc, đào tạo… Việc quản lý, giám sát hoạt động chuyên môn, sự tuân thủ phác đồ, thống kê, báo cáo, đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh trở nên thuận lợi và toàn diện. Ngoài ra, bệnh viện sẽ tiết kiệm được chi phí in ấn, không gian lưu trữ hồ sơ, bệnh án…

 

 

Theo lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT, từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ngày 30-12-2030 là hạn chót để các cơ sở khám, chữa bệnh hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

 


Cũng bởi những lợi ích lâu dài từ bệnh án điện tử mang lại nên Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn thiện hệ thống để triển khai tại đơn vị. Bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị đã học tập kinh nghiệm triển khai tại các đơn vị tiên phong như Bệnh viện Sản - Nhi các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An.
PGS. TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, y bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh trong chuyển đổi số. Theo ông, do thay đổi phương thức làm việc, việc triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy ít nhiều sẽ có những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc chuyển sang bệnh án điện tử sẽ thay đổi quy trình, thói quen, nền nếp làm việc của đội ngũ thầy thuốc. Từ cách làm truyền thống là viết tay toàn bộ, giờ làm hoàn toàn trên máy tính với yêu cầu quy trình rất chặt chẽ, phương pháp, nền nếp làm việc đòi hỏi khoa học hơn, chính xác hơn. Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ giúp bệnh viện kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn, phần lớn cán bộ, nhân viên y tế sẽ đồng tình, ủng hộ.