“Gáo nước lạnh”

10/01/2019 08:24 Số lượt xem: 674
Nhân bàn về vấn đề “sự hài lòng”, bác Minh mở lời trước:


Xã hội ngày càng có rất nhiều những sự hợp tác “thuận mua vừa bán”, ai cũng cảm thấy hài lòng. Ví như người bán hàng trên vỉa hè hài lòng khi không mất tiền thuê mặt bằng, đóng các loại thuế, phí, còn người mua sẵn sàng đỗ xe dưới lòng đường, hài lòng vì sự tiện lợi; cán bộ quản lý trật tự cũng có thể sẽ nhận được sự hài lòng bằng một “thỏa thuận” nào đó. Cô công nhân vệ sinh sẽ nhận thêm vài chục nghìn “bồi dưỡng” để dọn đống rác thải trước một quán ăn đêm to gấp rưỡi ngày thường, còn chủ quán lại được “thoải mái” xả rác vì đã có người thu dọn. Hay trong những giao dịch hành chính có phí “bôi trơn”, người làm thủ tục hài lòng khi tiết kiệm được thời gian, không phải “chịu đựng” thái độ hách dịch của cán bộ dù mất thêm vài trăm nghìn đến vài triệu, còn cán bộ hài lòng khi có thêm khoản thu nhập ngoài lương… và còn nhiều sự thỏa thuận mang lại sự hài lòng khác nữa rất “tiện lợi”.
Thấy dẫn chứng của Minh có vẻ thuyết phục, bà Vân cũng tán dương: Cái việc “thuận mua vừa bán” này kể cũng không “hay” cho lắm, nhưng lại rất được việc mà ai cũng cảm thấy hài lòng, vì thế mọi người chấp nhận như lẽ đương nhiên! .
Là người sâu sắc, ông Toàn nói: Sự hài lòng đó chỉ là “ngắn hạn”, nhưng đằng sau nó không ai đo được hệ lụy lâu dài. Bởi sự hài lòng của người bán hàng, người mua hàng trên vỉa hè sẽ gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Sự hài lòng của cô công nhân vệ sinh không giúp ích gì cho môi trường, nó khiến cho thói quen xả rác bừa bãi sẽ được duy trì. Sự hài lòng của người dân khi tham gia các giao dịch hành chính sẽ tiếp tay cho mức độ tham nhũng vặt tăng lên… Những sự hài lòng ngắn hạn đó sẽ trở thành lực cản cho sự phát triển lâu dài.
Nghe đến đây, bà Vân mới thấm thía: Tôi thật nông cạn, biết một mà chẳng hiểu hai, cứ nghĩ mọi người hài lòng là xong việc, có biết đâu chỉ vì muốn nhanh “được việc của mình” mà sẽ mang đến bao hệ lụy khác!.
Ngồi lặng lẽ nghe câu chuyện, ông Sáu giờ mới lên tiếng: “Các bác cứ yên tâm, những lực cản đó sẽ dần được gỡ bỏ”!. Hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, chính quyền kiến tạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Nâng cao văn hóa công vụ”. Trong đó sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ nạn “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong ứng xử với lãnh đạo cấp trên, công chức, viên chức phải tuân thủ chỉ đạo, điều hành, phân công công việc, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Đây thực sự là một “gáo nước lạnh” nhằm chấn chỉnh kịp thời những việc làm thiếu chuẩn mực, góp phần hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tính công khai minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và xã hội.

Thái Uyên