Để lễ cưới văn minh, gọn nhẹ mà vui

09/11/2018 08:35 Số lượt xem: 3714
Cưới hỏi là một nghi lễ đậm văn hóa Việt từ xưa tới nay. Duy trì lễ cưới là gìn giữ phong tục đẹp. Đó cũng là ngày lễ trọng đại của gia đình, lứa đôi. Tuy nhiên, không phải cứ tổ chức tiệc cưới linh đình, cỗ to, khách khứa nườm nượp mới trang trọng mà một lễ cưới ý nghĩa, tươi vui chỉ cần đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn trang trọng, thân tình, ấm áp…

Nhiều người muốn tổ chức lễ cưới giản tiện, gọn nhẹ nhưng vì sợ dị nghị nên chưa dám trở thành người đầu tiên đổi mới ở các thôn làng, khu phố. (Ảnh minh hoạ)
 

Cùng với sự phát triển của xã hội, ý nghĩa văn hóa của lễ cưới có vẻ như đang nặng về yếu tố vật chất hơn là tinh thần. Người xưa dự lễ cưới với tâm niệm chúc phúc cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc: “Dù trai dù gái cũng xin báo điềm vui cho sớm. Dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn cũng xin được ăn ở với nhau trọn đời, đến mãn chiều xế bóng…”. Tuy nhiên, ý nghĩa văn hóa, tinh thần trong đám cưới bây giờ không còn được đúng nghĩa. Giới nghiên cứu về văn hóa và phong tục Việt Nam cho rằng, nếu nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng thì rõ ràng văn hóa cưới hỏi của người xưa nhiều bản sắc hơn, vui hơn, nhiều dấu ấn hơn văn hóa cưới hiện đại.
Trong khi những thủ tục cưới cheo rườm rà được cho là hủ tục như mai mối, chạm ngõ, thách cưới, đi xêu… đã được rút gọn tối giản thì lễ cưới ngày nay lại đang thiên về yếu tố vật chất, lo việc “ăn” nhiều hơn. Người tổ chức đám cưới thì lo làm sao cho mâm cao cỗ đầy, món nọ món kia. Người được mời dự đám cưới thì lo chuẩn bị “phong bì” sao cho tương xứng. Thành thử ra đi ăn cưới như là một việc “có đi có lại” để “trả nợ miệng” chẳng khác một cuộc trao đổi, khiến ai cũng thấy mệt mỏi. Anh Nguyễn Xuân Đức (Thanh Khương, Thuận Thành) nhăn nhó: Cứ đến mùa cưới là thấy lo vì mình làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, xin nghỉ không dễ. Có những hôm đẹp ngày, chiều muộn đi làm về phải tranh thủ “chạy sô” ăn cỗ mấy đám cưới. Đến nơi có ăn uống gì đâu, cũng chẳng biết trên mâm cỗ có những món to món nhỏ nào, cốt là gửi được cái phong bì. Nhiều khi cố ngồi vào mâm chỉ để vừa lòng gia chủ. Khách khứa đông, người cùng một mâm chẳng ai quen biết ai, nâng chén rượu nhấp môi xong rồi về. Cỗ bỏ nguyên xi, rất lãng phí”.
Lãng phí là thực trạng phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Các vùng nông thôn thì ăn uống mấy ngày. Ở phố, cỗ bàn ít hơn nhưng vẫn tốn kém vì thuê nhà hàng, khách sạn. Ông Nguyễn Văn Mùi, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Bản thân tôi khi tổ chức lễ cưới cho con trai cũng hiểu rằng quan trọng là hạnh phúc của con trẻ sau này chứ đâu có giàu sang đến mức muốn phô trương, thể hiện. Hơn nữa việc tổ chức lễ cưới ở nhà hàng, khách sạn chỉ là trào lưu, không phải văn hóa. Thế nhưng xung quanh xóm giềng, bằng hữu đều tổ chức cưới cho con cháu ở nhà hàng, khách sạn đến mình làm khác đi người ta lại ì xèo bàn tán. Về nhà vợ than một tiếng, con nói một câu rồi suy nghĩ cả đêm mất ngủ. Vậy là tặc lưỡi, đành chấp nhận tốn kém thêm để tránh dị nghị…”.
Dẫu biết “cỗ nào chẳng giống cỗ nào”, có ăn được đâu nhưng với tâm lý người ta thế nào mình cũng phải theo như thế cho đầy đặn. Thực tế, ai cũng thích và đều muốn việc cưới gọn nhẹ, đơn giản. Ai cũng muốn đổi mới văn hóa cưới hỏi nhưng vì tế nhị, vì ngại dư luận… nên chưa dám hành động. Có lẽ vì thế mà các mô hình cưới tập thể, tổ chức tiệc cưới bằng trà nước, bánh kẹo hay hình thức báo hỉ…. hầu như chưa thấy xuất hiện nhiều ở Bắc Ninh. Theo khuyến nghị của Phòng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên quan tâm khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nhân viên, người lao động tham gia tổ chức mô hình cưới hỏi văn minh, tiết kiệm. Từ đó, dần dần sẽ tạo thành phong trào, làm thay đổi tư duy, nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Thay đổi quan điểm trong tổ chức đám cưới, nhiều người trẻ cũng mong muốn có một lễ cưới trang trọng mà không rườm rà, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa để ngày vui của mình không trở thành áp lực, gánh nặng cho người thân, bạn bè. Bạn Nguyễn Thị Biển, một nhân viên văn phòng ở thành phố Bắc Ninh tâm sự: Đi dự nhiều đám cưới, thấy cô dâu chú rể mà thương. Chú rể phải đóng bộ comple nóng nực, cô dâu thì mặc áo cưới nặng nề, lòa xòa vẫn cố cười gượng len lỏi qua các bàn tiệc đông đúc để chào hỏi, chúc rượu khách, trong khi số người họ thực sự quen biết không nhiều…
Thời gian qua, mặc dù nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tỉnh được đánh giá là gọn nhẹ với nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn không ít gia đình tổ chức đám cưới rình rang, tốn kém, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Một mùa cưới nữa lại đến và để có những đám cưới văn minh rất cần ý thức dám thay đổi của người dân và sự quan tâm động viên, tuyên truyền của lãnh đạo địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị…

Thạch Thảo