Để hồn dân tộc mãi “bừng trên giấy điệp”

07/11/2019 19:41 Số lượt xem: 5498
Từ chỗ cả làng nhộn nhịp sản xuất tranh, nay làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành) chỉ còn vài ba gia đình cố gắng bám trụ vì niềm say mê với nghề, vì nỗi trăn trở truyền giữ di sản cha ông... Một di sản quý đang đối mặt với nguy cơ mai một cùng nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi phải có những giải pháp lớn và cấp bách để “màu dân tộc” mãi được “bừng trên giấy điệp”...

Chuyên gia, nhà giám tuyển quốc tế thu thập tư liệu tại làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành).

 

 

 

Lấp lánh một dòng tranh quý


Nằm bên bờ nam sông Đuống, người dân làng Đông Hồ (xưa gọi làng Mái, nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) đã sáng tạo ra một dòng tranh vô cùng độc đáo bằng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên. Mộc mạc, giản dị nhưng dòng tranh quê của người Đông Hồ trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, các in nét, in mảng đặc trưng và hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng quanh cuộc sống bình dị. Mỗi bức tranh là một câu chuyện bằng hình ảnh, màu sắc, thể hiện khát vọng, ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc... 
Như PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định “Tranh dân gian Đông Hồ hội tụ toàn bộ tri thức dân gian về thẩm mỹ, quy trình làm tranh độc đáo, khác với nền tranh dân gian, khác với Trung Quốc và Hàn Quốc”. Và GS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) nhận thấy rằng, mỗi bức tranh Đông Hồ không chỉ biểu đạt ý nghĩa trực tiếp qua hình tượng hoặc qua câu chữ thấy trên tranh mà còn ẩn dụ nhiều điều muốn nói qua những thủ pháp liên tưởng ý nghĩa của vật, người và qua sự kết hợp giữa các biểu tượng với nhau... Cũng đánh giá về vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ, PGS.TS Từ Thị Loan, thành viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đã phân tích và cho rằng: Ngoài giá trị nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, tranh Đông Hồ còn có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, đậm chất dân gian và tiêu biểu nhất là ý nghĩa giáo dục đạo lý làm người, giáo dục truyền thống lịch sử, luân lý, đạo đức...
Chính kỹ năng, sự khéo léo của nghệ nhân, của những người tham gia quá trình làm tranh cùng sự sáng tạo các chủ đề của người làm ra mẫu tranh đã tạo nên một dòng tranh độc đáo, mang giá trị kinh tế và ý nghĩa văn hóa xã hội rộng lớn, thể hiện được đặc trưng của một di sản văn hóa phi vật thể theo đúng tinh thần Công ước 2003 của UNESCO. Những tri thức, kĩ năng và giá trị tiêu biểu ấy đã được kế tục qua hàng chục thế hệ và phát triển, tồn tại hàng trăm năm đến nay vẫn đang được duy trì. Các sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ hiện vẫn đang được người dùng trên thế giới ưa chuộng dùng để trang trí và làm quà tặng. 
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên 2 dòng họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Hữu mà nghề làm tranh vẫn được duy trì. Các nghệ nhân đã sưu tầm tranh và các bản khắc để khôi phục lại một dòng tranh quý của Việt Nam. Năm 2013, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.


“Hiến kế” bảo vệ khẩn cấp


Theo các nguồn tư liệu, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có cách đây gần 500 năm, vào thế kỷ XVI. Và cho tới tận năm 1945, vẫn có tới 17 dòng họ còn theo nghề với rất nhiều xưởng làm tranh trong làng. Thế nhưng đến nay cả làng chỉ còn vài ba gia đình thật sự giữ nghề tranh. Trong khi đó, hiệu quả tiêu thụ sản phẩm và mở mang cơ sở sản xuất tranh vẫn còn gặp nhiều hạn chế với vô vàn khó khăn thách thức. Việc đánh giá thực trạng, nguyên nhân mai một của dòng tranh Đông Hồ và xác định vấn đề bảo vệ làng tranh là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. 
Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, UBND tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, những nhà quản lý, nghiên cứu và nghệ nhân đã cùng chung sức đồng lòng nỗ lực phát huy tinh hoa giá trị dòng tranh này bằng nhiều giải pháp, trong đó nỗ lực nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng mai một dòng tranh; đưa tranh Đông Hồ vào đời sống đương đại với sự lồng ghép các yếu tố xưa và nay, kết hợp sử dụng các chất liệu màu sắc phong phú, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhu cầu thưởng thức của công chúng đương đại.
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” vừa diễn ra hai ngày 1 và 2-11 tại Bắc Ninh đã thu hút 69 tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế được gửi đến Ban tổ chức và trình bày tại hội thảo. Với những phân tích thấu đáo, khoa học, xuất phát từ thực tiễn đời sống, các đại biểu đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quý báu giúp bảo vệ và hồi sinh làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. 
Cùng với việc đề cao vai trò, nỗ lực của cộng đồng, các chuyên gia còn “hiến kế” về ứng dụng khoa học công nghệ. Đáng chú ý là đề xuất của TS. Dương Viết Huy nhấn mạnh “Trong thời đại internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ ảo hóa thì nhất thiết phải ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ và phát huy giá trị dòng tranh dân gian Đông Hồ”. Một số giải pháp khác mang tính chiến lược cũng được gợi mở như việc sử dụng tranh Đông Hồ trong dạy học ở trường phổ thông, qua đó giáo dục ý thức gìn giữ, trân trọng di sản trong thế hệ trẻ. Nhận được sự quan tâm tập trung thảo luận sôi nổi nhất là tuyên truyền, quảng bá như thế nào để tác động đến nhận thức của cộng đồng xã hội. Đặc biệt là cần sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách của nhà nước để xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho sản phẩm tranh Đông Hồ và hỗ trợ các nghệ nhân duy trì, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ... 
Hội thảo khoa học quốc tế lần này có quy mô tương đối lớn với sự tham gia của đông đảo học giả trong nước, quốc tế và đại diện người thực hành di sản, qua đó thể hiện mối quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ. Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế với các góc nhìn, phương diện nghiên cứu khác nhau về tranh dân gian Đông Hồ đã được phóng viên Báo Bắc Ninh phỏng vấn, lược ghi bên lề hội thảo.

 

 

Cần giải pháp đồng bộ để kích thích nhu cầu và hoạt động sản xuất

 


(GS.TS Trương Quốc Bình, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia) 


Tranh Đông Hồ là sản phẩm của cộng đồng và mang tính xã hội do đó, không thể dùng quy định hành chính để yêu cầu gia đình này hay gia đình kia phải làm tranh. Muốn duy trì, muốn phát triển nghề làm tranh dân gian phải xuất phát từ chính mong muốn của cộng đồng… Tuy nhiên, cần phải có giải pháp mang tính đồng bộ để kích thích nhu cầu và hoạt động sản xuất. Ví dụ như khôi phục các làng nghề làm giấy Dó; quy tụ thợ khắc gỗ có tay nghề; khai thác, duy trì được nguồn nguyên liệu, màu sắc in tranh truyền thống. Và tất nhiên, một giải pháp vô cùng quan trọng là tiêu thụ sản phẩm bởi có bán được tranh thì bà con, người sản xuất mới sống được và gắn bó với nghề. 
Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đang tiếp tục thực hiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tôi cho rằng đây là những nỗ lực hết sức cần thiết. Tuy nhiên, muốn bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại thì riêng tỉnh Bắc Ninh khó có thể làm được mà cần phải có sự phối kết hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành Trung ương. Thêm nữa, người dân ở Đông Hồ phải nhận thức được giá trị đặc sắc của di sản, cùng tham gia vào việc phục hồi làng nghề, trước hết là hỗ trợ vào các công trình công cộng đang và sắp được triển khai tại địa phương. 

 

Nên tính đến quy trình bảo tồn tranh dân gian

 


 (TS Kendall, Laurel Margarite, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ)


Chúng ta đang sống trong thế giới của sản xuất cơ giới với máy in. Và thật tuyệt nếu quay lại để xem đôi bàn tay của con người có thể làm được những gì và những bức tranh Đông Hồ cho chúng ta hiểu bước khởi đầu. Điều tôi thấy ấn tượng nhất về tranh dân gian Đông Hồ chính là tinh thần dân gian mạnh mẽ và sống động. Khi nhìn ngắm tranh Đông Hồ, tôi muốn mỉm cười, nó không hề làm tôi buồn mà cho tôi cảm giác vui vẻ.
Tôi biết ở mọi nơi trên thế giới đều rất khó để có thể gìn giữ sức sống cho những nghề thủ công có giá trị. Và tôi cũng thấy Chính phủ Việt Nam đang có những bước quan trọng để bảo tồn các kĩ năng của nghệ nhân đồng thời khuyến khích họ giữ nghề. Trong số những việc cần làm, theo tôi nên tính đến quy trình bảo tồn. Làm sao để các viện bảo tàng, các viện nghiên cứu có thể bảo tồn những nghệ phẩm của những nghệ nhân xuất sắc nhất, phục vụ cho công tác nghiên cứu trong tương lai. 
Với tư cách là người của viện bảo tàng và với mọi sức ép về bảo tồn giá trị lịch sử, chúng tôi muốn bảo tồn tranh Đông Hồ, trước tiên bởi vì chúng có ý nghĩa đối với cuộc sống người dân Việt Nam. Lý do thứ 2, chúng tôi là viện bảo tàng, cũng làm kinh doanh, chúng tôi thu thập và trưng bày những thứ có giá trị và có tuổi đời trên 100 năm. Chúng tôi đang có một bộ sưu tập lớn các tranh khắc gỗ dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới và thật tuyệt nếu có thêm những câu chuyện của Việt Nam trong bộ sưu tập của chúng tôi. Chúng tôi muốn lưu giữ những nghệ phẩm của những nghệ nhân xuất sắc nhất, phục vụ cho công tác nghiên cứu trong tương lai. 


Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được hoàn thiện những bước cuối cùng 

 


(PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)


Hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thực hiện hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đề nghị UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tiến độ hồ sơ đến nay đã hoàn thành phần lớn công việc để tháng 12-2019 sẽ thông qua ở Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia. Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại và Triển lãm tranh Đông Hồ xưa và nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là hai hoạt động quan trọng để có thêm chất liệu, cơ sở khoa học để hoàn thiện những bước cuối cùng cho hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO. 
Với những công việc chúng ta đang làm, tôi hy vọng sẽ có một hồ sơ chất lượng để trình UNESCO.  Thông qua việc tôn vinh giá trị của nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ này chúng ta huy động được sự quan tâm của toàn xã hội, không chỉ cộng đồng Bắc Ninh mà cả Việt Nam. Từ đó, tôi tin tưởng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ không còn bên bờ vực của sự biến mất nữa mà sẽ được hồi sinh, phát triển trong thời gian sắp tới. Đó là mong muốn không chỉ của những người làm hồ sơ mà còn của nhân dân Bắc Ninh và của cả nước. 

 

Hấp dẫn bởi kĩ thuật in tranh Đông Hồ


(GS.TS Bogel Cynthea Jean, Đại học Kyushu, Nhật Bản)


Như đã trình bày tại hội thảo, sự khác biệt lớn nhất giữa bản in của Nhật Bản và bản in của Đông Hồ có lẽ là ở công đoạn in.  Tranh Đông Hồ được tạo ra không phải bằng cách để giấy lên ván khắc mà bằng cách dập ván khắc lên giấy. Ở Nhật Bản, ban đầu họ cũng có những bản in thủ công nhưng sau đó họ tạo ra những khối màu mẫu khiến người xem tranh cảm thấy giống như những cỗ máy “người” đã tạo lên những bức tranh đó vì nó quá chính xác. Trong khi đó, tôi thấy tranh Đông Hồ vẫn cho ta cảm giác sống động về bàn tay con người tạo ra tác phẩm. Và đây là một điểm khác biệt tôi thấy thú vị ở tranh Đông Hồ. 
Khi tham gia hội thảo này, điều mà mọi người thường hỏi tôi là làm thế nào chúng ta có thể giúp làng Đông Hồ tiếp tục phát triển? Cũng có rất nhiều câu hỏi khác đặt ra... Tôi nghĩ là nên bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra một cộng đồng cùng nhau làm việc gồm những nghệ nhân làm giấy, những nghệ nhân in tranh lên giấy… để duy trì sức sống cùng các giá trị dân gian của dòng tranh Đông Hồ. Tranh Đông Hồ phải được nhìn nhận như một thực thể sống, không phải chỉ là dòng tranh truyền thống của một cộng đồng mà nên xem xét cả góc độ là bản sắc văn hóa và nền kinh tế địa phương. Nhưng để làm được điều ấy, trước hết những người trẻ tuổi phải cảm thấy tự hào về di sản, chứ không xem đó như là sự lỗi thời, cũ kỹ và lạc hậu. Tôi cho rằng trẻ em sẽ yêu mến tranh truyền thống nếu chúng cảm thấy rằng đó là một điều có giá trị và thật sự thú vị, ý nghĩa. Vậy nên, điều quan trọng nhất mà tôi hy vọng là chúng ta có niềm tự hào và trân trọng tranh dân gian Đông Hồ.
 

 

Thuận Cẩm - Minh Hường (thực hiện)