“Chèo Chải Hê” - Quan họ hiếu của làng Tam Sơn và Lũng Giang

20/02/2020 20:13 Số lượt xem: 2763
Trên đất vùng Đông Ngàn - Kinh Bắc - Bắc Ninh, làng Tam Sơn xã Tam Sơn là làng Quan họ cổ. Tam Sơn là đất linh kiệt, khoa bảng văn hiến và cách mạng.
Tam Sơn xưa có thời gọi là Ba Sơn (Ba Núi) có chùa Ba Sơn còn gọi là chùa Cảm Ứng Thiên Tâm, đã có từ rất lâu đời, nơi gắn liền với sự phát tích, phát triển của triều đại nhà Lý. Tam Sơn nằm ở phía Bắc không xa với dòng Tiêu Tương (cổ) đồng ruộng xen kề với ruộng của làng Sậy, Tiêu Thượng bên bờ sông Tiêu Tương, nằm trong uốn nếp vòng của dòng Tương thủy trước khi đổ vào chân núi Tiêu (có Chùa Tiêu).
Tam Sơn và Lũng Giang hai làng đều là làng Quan họ (cổ) trong 49 làng Quan họ vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Ngoài lối hát Quan họ truyền thống như các làng Quan họ khác, Tam Sơn và Lũng Giang còn có thêm lối hát “Chèo Chải Hê” còn gọi là “Quan Họ Hiếu”.
Lịch sử xã Nội Duệ “xưa thuộc tổng Nội Duệ”, sách xuất bản năm 1992, có đoạn viết xin trích “dân làng Lũng Giang một lần chở gỗ trên sông Tiêu Tương về để làm đình nhưng bị mắc cạn, đã được người dân thôn Tam Sơn giúp sức kéo gỗ về đến làng. Từ đó hai làng kết chạ, đi lại thăm hỏi, chăm nom và ca hát cùng nhau, đã tạo thêm một nhánh Quan họ trên đất Đông Ngàn”. Cũng theo sách này: Thời bấy giờ ông Nguyễn Đình Diễn, chức Quận Công trong triều đình nhà Lê, làm Trấn thủ kiêm Dốc đồng trấn Thanh Hóa, ông xuất thân người làng Đình Cả, là Thái giám trong phủ chúa của Trịnh Sâm. Trong nhiều năm nơi cung cấm, ông tích góp được rất nhiều tiền của, đã có nhiều đóng góp tiền, đất đai cho dân quê hương trong vùng Nội Duệ. Trong đó ông đã dành một phần tiền lớn cho việc mua cấp gỗ lim để làm đình cho các làng, xã Nội Duệ, trong đó có phần của thôn Lũng Giang.
Từ nguyên do trên, qua kể truyền miệng của các cụ cao niên ở Tam Sơn đặc biệt là ở Lũng Giang cho hay. Thời đó cách nay trên 300 năm (hậu Lê) khi dòng Tiêu Tương đã bị bồi lấp, thu hẹp, cạn dòng lại vào mùa khô ít nước. Gỗ được vận chuyển từ sông cái về, dân làng Lũng Giang đi lấy gỗ chậm, các cây gỗ nhỏ trên bè các làng khác đã lấy trước hết, còn lại toàn cây gỗ to.
Đình Lũng Giang (Đình Lim) được xây dựng vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1783) nằm trên khu đất bằng (hữu) sông Tiêu Tương nhìn hướng Tây Bắc thẳng vào Tiêu Tương. Quy mô gồm nhà đại đình 3 gian 2 trái, cột đình to hai người ôm mới xuể, sàn lát ván toàn gỗ lim. Tháng chạp năm 1947, đình bị giặc Pháp đốt cháy tiêu hủy toàn bộ cùng với chợ Cầu Lim. Năm 1995 đình được nhân dân phục dựng lại, thu gọn chỉ bằng 2/3 quy mô đình cũ.
Ngôi đình bề thế khang trang, đã chứng minh một mối tình giao hảo, thủy chung giữa bạn với bạn đã giúp nhau trong khó khăn lao động. Họ hiểu nhau, họ đến với nhau bằng sợi dây liên kết - kết chạ và kết họ, để rồi trải qua sóng gió hàng trăm năm, từ khi dòng Tiêu Tương còn thông chảy, đến nay sông đã cạn, đã bị vùi lấp, song tình nghĩa dân thôn hai bên không bao giờ cạn.
Kết chạ... tình anh chị em ví như thủ túc, họ vui cùng nhau ngày hội làng, ngày báo hỷ, ngày chúc thọ .v.v... Họ thăm hỏi chia buồn nhau khi ốm đau hoạn nạn, đặc biệt là mỗi làng khi có đám hiếu. Quan hệ thâm tình giữa Tam Sơn và Lũng Giang trong ngày vui hội, lối hát Quan họ có cái riêng trong tình kết chạ:  
Nghĩa người em chẳng bao quên
Tạc lên bia đá để bên dạ vàng
Trong việc hiếu Tam Sơn và Lũng Giang sinh ra có một lối hát riêng (mà không có làng Quan họ nào có được) đó là hát “Chèo Chải Hê” còn gọi là “Quan Họ Hiếu”. Đây là một hình mẫu lối hát, điệu hát mới trong sinh hoạt văn hóa trên đất Quan họ chỉ có ở Tam Sơn - Lũng Giang. Nhưng tiếc rằng hiện nay cũng đã mai mốt, không còn mấy người của hai làng nhớ hết được.
Qua sưu tầm tại Lũng Giang, gặp ông Nguyễn Hữu Thoa, nghệ nhân Quan họ ông tâm sự cho biết: Lối hát này đã lâu không được duy trì bảo tồn, trước đây hai làng có chuyên một đội hát chèo “Chải Hê”, lối hát và các làn điệu hát, không phải là hát chèo, có hơi thiên về Quan họ, điệu và cách hát này chủ yếu dùng vào việc “hiếu”, có cả thể hiện trong các đám giỗ.
Chúng tôi xin sơ lược trình bày:
Diễn xướng theo phong cách “Thập nhị tứ hiếu” - đội hình biểu diễn có 12 người, trong đó có 6 nhà cái và 6 nhà con
+ Sáu nhà cái trang phục quần thụng, áo lương đóng cúc nút, đội khăn xếp
+ Sáu nhà con đóng khố đỏ, chít khăn đỏ, thắt lưng nhiễu điều tay cầm gậy đỏ (gọi là gậy chèo)
Khi diễn xướng: Nhà cái hát trước - nhà con hát đối sau
Nội dung hát “tứ hiếu” chủ yểu kể lể 4 đạo hiếu, tức là 4 cử chỉ đối xử khi cha mẹ đau yếu sắp cuối đời (sắp chết) thèm măng khi là mùa đông
+ Phần một: Hát và múa theo động tác xẻ gỗ để đóng thuyền
+ Phần hai: Đóng thuyền rồi chèo thuyền, lên rừng tìm măng (cũng hát múa)
+ Phần ba: Hát múa làm động tác - lên đến rừng, tìm không có măng, ngồi khóc, đợi măng mọc.
+ Phần bốn: Lấy được măng về đến nhà thì bố mẹ đã chết, rồi múa hát thờ trước linh cữu, thể hiện việc đền đáp báo hiếu với cha mẹ.
“Chèo Chải Hê” gọi là Quan họ hiếu, từ tình nghĩa kết chạ, các cụ dân thôn Tam Sơn và Lũng Giang (xưa) với tâm hồn nghệ sĩ đã sáng tạo một lối diễn xướng thể hiện chữ “hiếu” đầy tính nhân văn, đã một thời đồng hành cùng văn hóa Quan họ tại hai làng Quan họ (cổ) trên vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh ngàn năm văn hiến. Đáng để các cấp quản lý chính quyền về văn hóa tiếp thu, sưu tầm phục dựng.
 
Dương Mạnh Nghĩa