“Cây bút” của thiếu nhi Bắc Ninh

12/04/2019 08:28 Số lượt xem: 2676
“Giọt mưa lách tách ôn bài/Cái sân nho nhỏ vẽ vài hình vuông/ Chim non đọc bảng cửu chương/Cành tre giải toán hạt sương đánh vần/ Kiến già mê mải đọc văn/ Chị sâu tập hát rau răm đánh vần/Hoa học múa, nắng tập đan/ Bác ong luyện võ trên giàn gấc cao…” (Thiên nhiên chăm học). Đọc những vần thơ trong sáng, đáng yêu và mới mẻ này, người yêu văn thơ Bắc Ninh cũng phần nào nhận ra tác giả.

Nhà thơ Mai Hoàng Hanh và các tác phẩm viết cho thiếu nhi.

 

Nói đến cây bút, nhà thơ của thiếu nhi Bắc Ninh, nhiều bạn đọc hẳn sẽ nghĩ ngay đến Mai Hoàng Hanh - “một trái tim trẻ thơ trong tâm hồn người lính” tuổi 8X. Anh là một trong số hiếm văn nghệ sĩ Bắc Ninh viết cho thiếu nhi và tạo được dấu ấn riêng biệt, cũng là cộng tác viên thường xuyên của Báo Bắc Ninh.
Có thể hiểu thêm về Mai Hoàng Hanh qua vài phác thảo như thế này: Mai Hoàng Hanh tên thật là Đỗ Danh Hanh, sinh năm 1981 ở An Thịnh, Lương Tài. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội và đang là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Anh có một gia đình nhỏ ở thị trấn Phố Mới và vừa chuyển công tác từ Ban CHQS huyện Quế Võ sang Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang.
Đến với thơ từ rất sớm, Mai Hoàng Hanh từng trải qua quãng tuổi thơ lấm láp và “dữ dội” khi mồ côi bố lúc 9 tuổi. Nỗi nhớ, sự trống trải của một cậu bé mất cha được bà ngoại an ủi vỗ về qua những khúc đồng dao, truyện cổ tích, truyện Kiều, rồi những vần thơ lục bát, ca dao, tục ngữ… Chất văn thơ cứ thế ngấm dần vào cậu bé Hanh để đến khi vào quân ngũ, trải nghiệm kỷ luật nhà binh nghiêm ngặt, hồn thơ trong anh tự bật trào trỗi dậy, thăng hoa và sung sức. Miền ký ức tuổi thơ với thế giới thiên nhiên kỳ thú cứ thế theo nhau ùa về, thôi thúc người lính trẻ cầm bút…
Nhà thơ Mai Hoàng Hanh tâm sự: “Bà ngoại là người ươm mầm thơ ca trong tôi nhưng chính môi trường quân đội là bệ phóng cho hồn thơ tôi thăng hoa và thành công. Nhiều lúc tôi thấy mình không viết không chịu được. Viết như kiểu bị trời đày, viết như để trả nợ, để giải tỏa tâm hồn, để không cảm thấy bứt rứt. Và những ý thơ, câu thơ có thể nảy ra, chảy đến bất cứ hoàn cảnh nào... Song, nói vậy không có nghĩa là phủ định sự cố gắng, nỗ lực. Bởi để hoàn thiện được một tác phẩm thì nhiều khi phải bỏ đi hàng chục bài thơ dạng phác thảo trước đó. Cho nên, ngoài năng khiếu, niềm đam mê cũng cần ý thức sáng tác và luôn phải có sự khổ luyện”.
Đề tài trong thơ Mai Hoàng Hanh khá phong phú. Anh viết thơ tình, viết về bà, về mẹ, về quê hương, người lính… nhưng có sức lôi cuốn và tạo được dấu ấn riêng với bạn đọc là mảng thơ thiếu nhi. Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, thơ thiếu nhi là một thể thơ dễ làm tuy nhiên để có tác phẩm hay, tạo ấn tượng sâu đậm thì rất khó. Bởi nhà thơ phải dùng tưởng tượng sáng tạo để nhập vai, cảm nhận thiên nhiên và nhìn cuộc sống con người bằng lăng kính trong sáng, con mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Nếu không làm được điều này sẽ dễ rơi vào trạng thái ít cảm xúc với những lời giáo huấn, dạy bảo giáo điều, cứng nhắc.
Mai Hoàng Hanh đã làm được điều khó mà rất nhiều nhà thơ khác chưa làm được đó là trở thành một cây bút không phải “viết về thiếu nhi” mà là “viết cho thiếu nhi”. Anh đang sở hữu một gia tài thơ văn dành cho các em thiếu nhi thật dồi dào, ngộ nghĩ và đáng yêu với khoảng 600 bài thơ chia thành 6 tập cùng 1 tập truyện ngắn. Hơn 30 đầu báo, tạp chí trong nước đã đăng giới thiệu, quảng bá các sáng tác của anh. Có nhạc sĩ vùng Tây Bắc khi bắt gặp hồn thơ Mai Hoàng Hanh đã đồng cảm, yêu mến và phổ nhạc cả một tập thơ…
Trẻ em vốn có khả năng tưởng tượng và luôn diệu kì hóa thế giới xung quanh.  Và để phù hợp với tâm lí tuổi thơ, Mai Hoàng Hanh luôn có những tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện. Bằng lăng kính, góc nhìn của một đứa bé, nhà thơ đi tìm cái linh hồn ảo diệu của thiên nhiên, tạo vật qua sự sống của chính con người. Các hình thức tu từ: Nhân cách hoá, so sánh, ẩn dụ, tượng hình, tượng thanh… được tác giả sử dụng tối đa và tạo nên không ít sự độc đáo, mới mẻ. Mỗi sự vật bình thường, vô tri, vô giác được nhà thơ thổi vào hơi thở của sự sống của con người lấp lánh vẻ đẹp lung linh, kì diệu, gợi mở trí tưởng tượng của trẻ thơ.             
Đó là thế giới thiên nhiên với hệ động vật, thực vật được nhà thơ gọi bằng những cái tên hết sức thân mật, gần gũi, thân thiết với trẻ như: Chị Trâu, anh Vịt, bạn Ngỗng, bác Mèo, chú Ong, cậu Kiến nâu, anh Gió, chị Mưa, cô Nắng… Đặc biệt, có những ý thơ sáng tạo mới mẻ, nhiều hình ảnh được “lạ hóa” trong những liên tưởng bất ngờ mở ra một không gian ngộ nghĩnh, hấp dẫn như: Mây làm nũng, Mây tắm sông, Nắng ngoan, Ngoại ngồi têm nắng… Hoặc có những ý thơ đầy phát hiện của một trí tưởng tượng phong phú như: “Mùa xuân ú òa/Nụ đào tỉnh giấc” (Cuối đông); “Giọt nắng nào tủm tỉm/Thả tơ vàng trên sông?” (Bắt đền giọt mưa); “Mây đốt lửa ngang trời/Khúc nhạc ve nóng nảy/Hoa phượng ngùn ngụt cháy/Bác sân bỏng rộp da” (Trưa hè); “Chị mây trắng/Dạo bờ sông/Bị trượt chân/Ngã xuống nước/Gió nhào đến/Vớt mây lên/Mây cười hiền:-Tôi tắm đấy!” (Mây tắm sông)…
Mỗi tập thơ thiếu nhi của Mai Hoàng Hanh như là chìa khóa mở rộng cánh cửa tâm hồn các bạn đọc nhỏ tuổi, cũng chạm vào miền kí ức tuổi thơ đầy thổn thức của không ít người lớn. Thế giới bỗng trở nên mới lạ, kì thú từ chính những điều gần gũi, thân thuộc xung quanh chúng ta. Mỗi ý thơ lại khơi mở, kích thích trí tưởng tượng cùng cảm xúc trong trẻo với nhiều bài học ý nghĩa cho các em. Đọc thơ Hanh, bên cạnh những tưởng tượng diệu kì với chức năng thẩm mĩ nghệ thuật sáng tạo thì đan cài trong mỗi ý thơ và những sắc thái cảm xúc vẫn có chức năng giáo dục, giúp trẻ khôn lớn hơn mỗi ngày…
Thi sĩ của thiếu nhi Bắc Ninh mong những đứa con tinh thần của mình sẽ được quảng bá rộng rãi hơn để nhiều bạn nhỏ biết đến và hào hứng đón nhận. Mỗi lần xuất bản thơ, anh vẫn thường đổi nhuận bút lấy sách để tặng cho các thư viện nhà trường, ngoài ra, còn dành một phần nhuận bút làm quà tặng, trao học bổng cho các cháu học sinh giỏi của trường Tiểu học nơi nhà thơ từng gắn bó. Hé mở về tương lai, tác giả Mai Hoàng Hanh bật mí vẫn tiếp tục phiêu du cùng thế giới tưởng tượng diệu kỳ của thiếu nhi nhưng anh cũng đang tập trung chuẩn bị ra mắt tập thơ tình với nhan đề “Yêu thầm trong mắt”.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm