“Biết điều” với thiên nhiên

19/09/2018 09:26 Số lượt xem: 560
Sáng chủ nhật mấy bác hàng xóm sang chơi với bố tôi. Vừa ngồi xuống ghế bác Tân đã phàn nàn: Tháng 8 ta rồi mà trời còn oi ả thế.!
Do thay đổi thời tiết chứ sao, hễ sắp có bão là lưng tôi đau nhức, mấy hôm trước nhà đài thông báo “siêu bão” Mangkhut lại tiếp tục hoành hành. Bố tôi thở dài: Nhiều người vẫn còn chưa hết bàng hoàng về “bão chồng bão” xảy ra trong tháng 8. Khi cơn bão số 3 mang tên Sơn Tinh và cơn bão số 4 mang tên Bebinca “ghé qua” phía Nam đồng bằng sông Hồng tiến về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh kéo theo mưa lớn trên một vùng rộng, cả một vùng núi Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ chìm trong mưa, phía Tây thành phố Hà Nội bị ngập nặng. Siêu bão Mangkhut (cơn bão số 6) gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc, Hồng Kông, Philipines… và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão này gây mưa giông tại các tỉnh Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An của nước ta.
Thiên nhiên một khi “nổi giận” thì vô cùng khốc liệt, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Nhưng chung quy lại cũng không thể “trách” tự nhiên, lỗi chính là từ con người. Bác Tân tự vấn lương tâm: Thiên tai đều do biến đổi khí hậu mà ra. Biến đổi khí hậu lại do trái đất nóng lên vì hiệu ứng nhà kính (do con người phát triển công nghiệp không có sự kiểm soát) gây ra bão giông, lũ quét, ngập lụt, làm mất cơ nghiệp, lấy đi tính mạng của những người nghèo, người yếu thế - những người không có khả năng tự bảo vệ mình.
Cùng quan điểm với bác Tân, bố tôi dẫn chứng thêm: Ngoài ra, sự mất cân bằng của hệ sinh thái do hậu quả của việc con người khai thác tài nguyên vô tội vạ, làm biến động trên mặt đất. Hệ sinh thái vốn bền vững nhưng nó đã phải “vật vã” trồi lún để tạo được thế cân bằng song cũng không thể giữ được ổn định. Bởi các hoạt động hút cát ở lòng sông, vét cạn nguồn nước ngầm, đào bới mặt đất để khai khoáng, chặt phá rừng... quá mức làm mất cân bằng hệ sinh thái, khiến mặt đất cựa mình, gây sụt lún, trượt lở, nhà cửa, cơ nghiệp chìm xuống sông hoặc đổ gãy.
Mẹ tôi nói chen vào: Từ nãy đến giờ các ông cứ phân tích dài dòng, theo tôi hiểu nôm na thiên tai không thể đổ lỗi cho “ông giời” mà con người mới là thủ phạm chính, do lợi ích “ngắn hạn” phát triển nóng, khai thác tài nguyên bừa bãi, ứng xử tùy tiện với thiên nhiên làm mất cân bằng hệ sinh thái. Nếu không có thái độ “biết điều” với thiên nhiên thì sự mất cân bằng ấy luôn ẩn chứa thảm họa khó lường có thể xảy đến bất cứ vào lúc nào!.
Là người nho nhã, bác Bằng (giáo viên văn) kết lại câu chuyện bằng việc, dẫn lời của một nhà văn: “Thật chưa đủ khi chỉ gọi thiên nhiên là những người bạn tốt của chúng ta. Còn hơn thế, đó là những người bạn nhẫn nại. Họ sẽ chẳng phàn nàn với ai. Họ chỉ thầm lặng ra đi, thầm lặng biến mất nếu bị chúng ta coi thường những nhu cầu của họ. Chính vì vậy chúng ta, những người làm chủ thiên nhiên, chúng ta phải có một thái độ “biết điều” sơ đẳng đối với bạn bè”. Khi con người biến tự nhiên thành đối tượng để thỏa mãn lòng tham, thì tất nhiên, tự nhiên sẽ trả đũa.
Thái Uyên